Ngân hàng Nhà nước có động thái mới trên thị trường tiền tệ
Sau thời gian dài chào bán tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã giảm kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày và giữ nguyên lãi suất trúng thầu.
- 20-06-2024Phó Thống đốc: NHNN sẽ điều chuyển hạn mức tín dụng giữa các ngân hàng
- 19-06-2024Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ yêu cầu NHNN 'làm việc ngay' với các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay, điều hành cung tiền hợp lý
- 14-06-2024NHNN yêu cầu ngân hàng, đơn vị kinh doanh vàng báo cáo các giao dịch có giá trị lớn, đáng ngờ
Trong hai phiên giao dịch 24/6 và 21/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có sự điều chỉnh trong hoạt động phát hành tín phiếu. Theo đó, sau thời gian dài chào bán tín phiếu có kỳ hạn 28 ngày, Nhà điều hành giảm kỳ hạn tín phiếu xuống còn 14 ngày, trong khi lãi suất trúng thầu được giữ nguyên ở mức 4,25%/năm.
Động thái điều chỉnh kỳ hạn tín phiếu với lãi suất trúng thầu không đổi được cho là nhằm tăng tính hấp dẫn cho công cụ này, qua đó nâng cao mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu và lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn dưới 1 tháng giảm mạnh những phiên gần đây.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chiếm 80 – 90% khối lượng giao dịch) trong phiên 20/6 đã giảm về còn 3,46%/năm từ mức 4,42% ghi nhận vào cuối tuần trước đó (14/6). Lãi suất các kỳ hạn ngắn như 1 tuần và 2 tuần cũng ghi nhận mức giảm lần lượt là 0,77 điểm % và 0,04 điểm %.
Trên thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 17/06 - 21/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh 7 đồng so với phiên cuối tuần trước đó, lên mức 24.256 VND/USD. Neo theo đà tăng của tỷ giá trung tâm, giá USD bán ra tại các ngân hàng tiếp tục được niêm yết sát trần quy định là 25.468 VND/USD. Tỷ giá liên ngân hàng tuần qua đóng cửa tại 25.455 VND/USD, tiếp tục cao hơn giá bán can thiệp của Nhà điều hành là 25.450 VND/USD.
Với việc NHNN giảm kỳ hạn tín phiếu, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng trở lại trong tuần này khi lãi suất trúng thầu tín phiếu có vai trò là mức sàn tham chiếu cho lãi suất trên thị trường 2. Thực tế, sau động thái trên của NHNN, khối lượng tín phiếu trúng thầu trong phiên 21/6 và 24/6 đã tăng lên lần lượt 8.900 tỷ đồng và 10.150 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ cuối tháng 5, cho thấy phản ứng đồng thuận của thị trường đối với động thái của Nhà điều hành.
Trước đó, từ phiên 11/3, NHNN khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu sau hơn 4 tháng tạm dừng. Việc khởi động lại hoạt động chào bán tín phiếu của NHNN nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa trong hệ thống, qua đó nâng cao lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tăng, gián tiếp kìm hãm đà tăng của tỷ giá USD/VND.
Hoạt động phát hành tín phiếu gần như được Nhà điều hành duy trì liên tục trong hơn 3 tháng qua trước áp lực tỷ giá chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt khi Fed vẫn tỏ ra khá thận trọng trong việc giảm lãi suất. Không những vậy, NHNN còn liên tục điều chỉnh tăng lãi suất trúng thầu tín phiếu nhằm tạo ra sức hấp dẫn cho công cụ hút thanh khoản tiền Đồng này. Với các ngân hàng cần nguồn hỗ trợ, NHNN sẵn sàng cho vay qua kênh OMO nhưng các nhà băng này phải chấp nhận mức lãi suất không rẻ và đã tăng lên 4,5%/năm.
Giới phân tích cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Thực tế, trong suốt hơn 2 tháng qua, dù NHNN đã thực hiện bán ngoại tệ can thiệp song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục kéo sát, thậm chí kịch trần cho phép và cao hơn giá bán can thiệp. Điều này gây ra áp lực lớn đối với dự trữ ngoại hối vốn chỉ ngấp nghé ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu) theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Theo các nguồn thạo tin trên thị trường liên ngân hàng, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến nay đã vượt 4 tỷ USD.
"Việc thu hẹp chênh lệch lãi suất VND - USD, kết hợp với nếu có dòng ngoại tệ chảy vào tốt hơn sẽ giúp giảm áp lực bán ngoại tệ can thiệp của NHNN ", một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng kinh doanh ngoại tệ tại ngân hàng nhận định.