MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước muốn siết chặt sở hữu chéo và cho vay sân sau

15-03-2023 - 19:31 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước chủ tương siết chặt sở hữu chéo và cho vay sân sau. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Ngân hàng Nhà nước chủ tương siết chặt sở hữu chéo và cho vay sân sau. Ảnh minh họa, nguồn - Int

Tại dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ siết chặt hơn tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Theo đó, tại dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo dự kiến siết chặt hơn giới hạn về cho vay và tỷ lệ sở hữu cổ phần của một hoặc một nhóm cổ đông tại ngân hàng.

Cụ thể, dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng dự kiến giảm từ mức 15% như hiện hành xuống còn 10% , tính trên vốn tự có nhà băng.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, giảm so với quy định hiện hành là 25% .

Bên cạnh đó, một cá nhân dự kiến không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng (quy định hiện nay là 5%).

Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện tại là 15%), trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt hoặc sở hữu của nhà nước tại ngân hàng.

Tỷ lệ sở hữu tối đa của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau ngân hàng còn phức tạp

Những quy định theo hướng chặt chẽ hơn tại Dự thảo Luật tổ chức tín dụng sửa đổi đang khiến giới ngân hàng lo lắng và cho rằng có thể làm giảm động lực phát triển của họ.

Tuy nhiên điều này theo Ngân hàng Nhà nước, giúp tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, hạn chế việc chi phối và thâu tóm ngân hàng. Các quy định này sẽ ngăn lạm dụng quyền quản trị, chống lạm quyền cấp tín dụng và gia tăng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân.

Qua những tồn tại trên thị trường trái phiếu, đại biểu quốc hội từng bày tỏ lo ngại tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ bất ổn hoạt động dù chủ trương này đã có và thực hiện nhiều năm. Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ để xử lý sở hữu chéo ngân hàng.

Tháng 10/2022, tại một phiên Thảo luận ở tổ về kinh tế xã hội, ông Lê Kim Toàn, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã bày tỏ lo ngại về tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ bất ổn hoạt động dù chủ trương này đã có và thực hiện nhiều năm.

Trước đó, trung tuần năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có báo cáo bổ sung tới các đại biểu Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 3 về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, trong đó cơ quan này khẳng định sẽ cứng rắn xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cho vay các dự án BOT, BT.

Tại báo cáo nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trên thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.

Tình trạng trên dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Theo Lê Sáng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên