Ngân hàng Nhà nước sẽ không hạ chuẩn tín dụng, “ném tiền ra vô lối”
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng để “ném tiền ra vô lối”.
- 22-06-2023Giảm lãi suất: Nhóm ngành nào được hưởng lợi?
- 21-06-2023Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp
- 21-06-2023Phó Thống đốc: Phát hiện ra nhân viên bán thông tin khách hàng phải đuổi việc ngay, ngân hàng phải xử lý tại sao lại để xảy ra câu chuyện như vậy
Sẽ phân bổ thêm room tín dụng
Chia sẻ tại Họp báo thường kỳ thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước lại khó khăn như hiện nay.
“Chúng tôi thấy doanh nghiệp rất khó khăn, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp giảm bớt công nhân, lao động trong khi giá nhiều mặt hàng tăng… Sức mua, sức cầu cả thế giới và trong nước cũng đang giảm” - ông Tú nói, đồng thời khẳng định, những điều này đã tác động đến việc điều hành chính sách tiền tệ.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
“3,36% chưa phải tín dụng tăng nhanh. Nhưng không phải vì thế ngân hàng tăng trưởng tín dụng bằng hạ chuẩn tín dụng, “ném tiền ra vô lối”. Tăng trưởng tín dụng luôn đi với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi vì hạ chuẩn đồng nghĩa với việc rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Hiện nay tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng thì vẫn dưới 3% nhưng nợ tiềm ẩn thì đang có xu hướng tăng” - Phó Thống đốc cho hay.
Ông Tú cho biết, trước nguồn vốn thị trường đang khó khăn như trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản chưa khôi phục nhanh và còn đang khó khăn. Vì vậy, trách nhiệm cung ứng nguồn vốn của ngân hàng càng nặng nề.
“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng cũng mong như vậy, Nhưng để giải quyết vấn đề này phải hài hoà và tạo sự cân bằng giữa khả năng vay và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điểm cân bằng này là vai trò của nhà nước” - lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Về lãi suất, ông Tú cho rằng, cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, định hướng của các ngân hàng thương mại, nhưng cần có định hướng theo hướng từng bước giảm dần một cách tích cực cả từ huy động lẫn cho vay.
Việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhưng phải tìm cách để độ trễ này ngắn hơn, do đó Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành và thực hiện chỉ đạo các ngân hàng thương mại là định hướng để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.
“Một vài ngày tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại. Trên cơ sở trách nhiệm, các ngân hàng thương mại cần phải chia sẻ bằng cách cắt giảm những chi phí hành chính, một phần nguồn lợi nhuận để tạo cơ sở giảm lãi suất” - ông Tú cho biết.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hạn mức tín dụng hiện nay chưa thiếu nhưng sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động thực hiện việc tăng trưởng tín dụng.
Tích cực triển khai các gói tín dụng ưu đãi
Tại buổi họp báo, ông Tú cũng cung cấp thông tin làm rõ về gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở xã hội , nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Theo đó, gói tín dụng ưu đãi lãi suất 120.000 tỷ không phải nguồn vốn từ ngân sách nhà nước mà là nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng sẽ dành ra 120.000 tỷ đồng từ các nguồn huy động vốn từ nền kinh tế, đồng thời giảm 1,5 - 2% lãi suất cho khách hàng vay. Gói ưu đãi này không triển khai chỉ trong năm nay mà là cho tới năm 2030 nhằm thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội.
“Bộ xây dựng là nơi quy định về các dự án được phép vay và quyết định cho vay cụ thể thì thuộc thẩm quyền của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước không có quy định riêng cho chương trình này” - ông Tú nhấn mạnh.
Ngoài ra, về triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực thuỷ sản và lâm sản, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo cho vay ưu đãi và không hạn chế room tín dụng cho hai lĩnh vực này. Do đó, trên thực tế nếu đáp ứng được đủ tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì gói hỗ trợ vay cho hai nhóm trên có thể lớn hơn 10.000 tỷ đồng.
Ông Tú thông tin thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo tinh thần linh hoạt, thận trọng, chắc chắn để phù hợp với từng điều kiện, giai đoạn và đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.
Tỷ giá tiếp tục điều hành theo hướng ổn định để tạo niềm tin cho thị trường; tạo niềm tin cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu và nhà đầu tư nước ngoài; đảm bảo quyền lợi của các khoản vay nợ của chính phủ và doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục cơ cấu tổ chức chính dụng Theo đề án 689 nhằm chấn chỉnh những tồn tại trong thời gian vừa qua để đảm bảo công khai minh bạch cho nền kinh tế.
Báo công thương