MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên định chính sách lãi suất USD ở 0%?

25-07-2017 - 07:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Với mục tiêu huy động USD trong dân, nhiều chuyên gia cho rằng NHNN nên áp dụng lãi suất trở lại với tiền gửi USD mới khuyến khích được dòng vốn. Tuy nhiên với tình hình tỷ giá ổn định cũng như lãi suất VND đang hấp dẫn, vẫn có luồng ý kiến ủng hộ NHNN nên kiên trì chính sách hiện tại.

Nhiều người ủng hộ áp lãi suất huy động USD trở lại

Tại buổi làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước trung tuần tháng 7, Chủ nhiệm VP Chính phủ đã gửi thông điệp của Thủ tướng tới NHNN rằng người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần lưu ý NHNN nghiên cứu biện pháp huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh phục vụ nền kinh tế.

Sau chỉ đạo này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để huy động được nguồn USD trong dân thì NHNN nên áp dụng mức lãi suất trở lại đối với tiền gửi USD vào ngân hàng bởi nếu không có lãi suất thì việc huy động vốn là khá khó khăn và chỉ ở chừng mực nào đó.

TS. Lê Xuân Nghĩa là một đại diện điển hình của trường phái ủng hộ áp dụng lãi suất trở lại. Vị chuyên gia giàu kinh nghiệm cho rằng hiện tỷ lệ đô la hoá của Việt Nam đã xuống rất thấp, dưới mức 10%, do đó việc huy động nguồn lực này phục vụ cho nhu cầu trong nước là một điều hợp lý.

Và ông khẳng định nếu muốn huy động mạnh mẽ nguồn ngoại tệ trong dân thì điều quan trọng là phải có cơ chế lãi suất cho tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ một cách bình thường, tức là nên phục hồi lại cơ chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ. Vị tiến sĩ thậm chí còn khuyến nghị NHNN cần nâng lãi suất huy động USD lên mức khoảng 2,2%-2,5%/năm, bởi theo ông đồng USD là đồng tiền của Mỹ, vì vậy khi áp dụng lãi suất với đồng tiền này chúng ta nên tham khảo lãi suất tiền gửi cũng như tỷ lệ lạm phát của họ.

Cùng chung quan điểm với ông Nghĩa, nhiều chuyên gia như TS. Cấn Văn Lực, TS. Phan Minh Ngọc hay lãnh đạo của nhiều ngân hàng cổ phần tư nhân cũng khuyến nghị nâng lãi suất USD trở lại nhưng nên ở mức độ hợp lý, phù hợp với tình hình tỷ giá, kinh tế vĩ mô, có thể là ở mức 0,25% - 0,5% hoặc cao nhất là 1%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng nên duy trì lãi suất huy động USD là 0% trong thời điểm hiện tại và chưa nên khuấy động thị trường vào lúc này. Đồng thời theo ông nên chờ thời điểm từ nay đến cuối năm, khi có diễn biến mới của Fed nâng thì NHNN mới thay đổi lãi suất tiền USD, và ông đề xuất mức tăng khoảng 0,5%.

Vẫn có cơ sở để NHNN kiên định với chính sách hiện hành

Ở chiều ngược lại, một báo cáo vừa công bố của các nhà phân tích thuộc SSI (SSI Retail Research) lại cho những thông tin ủng hộ NHNN kiên định chính sách lãi suất USD hiện hành.

Theo các chuyên gia của SSI, tỷ giá USD/VND diễn biến khá ổn định. Kết thúc tuần vừa qua, tỷ giá ngân hàng giữ nguyên ở mức 22.700 - 22.770 đồng/USD, trong khi tỷ giá tự do giảm nhẹ khoảng 30 đồng, về sát hơn với mức tỷ giá ngân hàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh giảm tỷ giá trung tâm với tổng mức giảm 13 đồng từ 22.445 đồng xuống 22.432 đồng và giảm tiếp 3 đồng nữa trong phiên đầu tuần này là ngày 24/7. Đây là một động thái rất kịp thời và phù hợp của NHNN nhằm chặn kỳ vọng tăng tỷ giá đã manh nha xuất hiện sau khi NHNN tăng tỷ giá mua vào USD.

SSI Retail Research cho rằng điều kiện để kiểm soát tỷ giá trong nước vẫn khá thuận lợi khi trên thị trường thế giới đồng USD tiếp tục mất giá. Chỉ số USD index giảm mạnh trong tuần qua khi chỉ còn dưới 94 điểm, là mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Triển vọng đồng USD vẫn không mấy khả quan khi tín nhiệm của chính phủ tổng thống Trump đang ở mức rất thấp. Đồng USD xuống thấp khiến giá vàng thế giới tăng khá trong khi vàng trong nước chỉ biến động rất nhẹ giúp co hẹp khoảng chênh lệch giá xuống 2 triệu đồng/lượng tức chênh nhau khoảng 5,7%.

Các chuyên gia đánh giá, bối cảnh thế giới, thị trường vàng và sự nhanh nhạy của NHNN trong điều tiết thị trường đã giúp tỷ giá ổn định. Ổn định tỷ giá là một yếu tố quan trọng để tiếp tục kiên định với chính sách lãi suất USD=0% hiện hành.

Họ thậm chí còn cho rằng, với tỷ giá ổn định và lãi suất tiền VND tương đối cao là 6-7%/năm thì việc nắm giữ đồng VND vẫn có lợi không chỉ với người Việt nam mà cả với người nước ngoài hay Việt kiều chuyển kiều hối. Nắm giữ USD ở nước ngoài (giả định FED nâng lãi suất lên 1,25%) vẫn không có mức sinh lời cao bằng nắm giữ VND tại Việt nam ngay cả khi đồng VND giảm giá 2%-3% trong vòng 1 năm tới. So với cùng kỳ 2016, tỷ giá VND/USD của ngân hàng cũng như thị trường tự do mới giảm 2%.

Bên cạnh chính sách lãi suất huy động USD=0%, các chuyên gia của SSI cũng cho rằng cơ quan quản lý có thể đưa ra những sản phẩm đặc biệt hướng đến các đối tượng đang lưỡng lự giữa giữ hay mang tiền vào Việt nam. Trong đó Trái phiếu đặc biệt huy động kiều hối với lãi suất cạnh tranh và kỳ hạn dài là một phương án. Huy động ngoại tệ để cấp tín dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng là một hình thức kích thích kinh tế đúng chỗ do xuất khẩu đang là đầu tầu kéo tăng trưởng kinh tế Việt nam.

Nếu huy động nguồn lực vàng, USD trong dân qua thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn

Giữ ý kiến trung lập và muốn có giải pháp rõ ràng hơn với việc huy động vốn trong dân, TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM cho rằng huy động USD, vàng trong dân qua ngân hàng cũng chỉ là kênh gián tiếp, nếu bây giờ đi theo kênh trực tiếp đó là thông qua thị trường chứng khoán thì sẽ tốt hơn.

“Chúng ta đã thành lập thị trường chứng khoán, khuyến khích doanh nghiệp niêm yết, như vậy tại sao không dùng nguồn vốn này thông qua kênh thị trường chứng khoán gọi là kênh huy động trực tiếp để đầu tư vào đó. Trong khi doanh nghiệp của mình rất thiếu vốn và nguồn vốn từ ngân hàng đi ra vẫn là nguồn vốn chính”, ông Thuận nhận định với Bizlive, đồng thời bổ sung thêm rằng quan trọng là cơ chế điều hành và vận hành ở từng kênh này như thế nào để khuyến khích được dòng vốn trong dân đổ vào.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên