Ngân hàng Nhà nước tăng giá mua USD - một mũi tên trúng nhiều đích
Ngày 11/4, NHNN đã có quyết định tăng tỷ giá mua vào từ mức 22.575 đồng/USD lên mức 22.675 đồng/USD (tỷ giá giao dịch giữa NHNN với các TCTD), tương đương với mức tăng 0,4%. Lần điều chỉnh tỷ giá mua vào gần nhất của NHNN diễn ra ngày 9/1/2017.
- 11-04-2017Tỷ giá vẫn khó lường
- 08-04-2017Tỷ giá biến động mạnh trong quý I, đâu là nguyên do?
- 03-04-2017Diễn biến ngược thú vị của tỷ giá USD/VND
- 26-03-2017Tỷ giá, biến số lớn nhất trên thị trường tiền tệ trong năm 2017
Động thái này của NHNN được xem là khá bất ngờ bởi cán cân thương mại thâm hụt tới 1,9 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, xét về toàn cảnh của thị trường tiền tệ hiện nay thì quyết định trên của NHNN được xem là giải quyết được nhiều mục tiêu cùng một lúc.
NHNN đang đối mặt với nhiều áp lực
Tín dụng tăng trưởng nhanh hơn huy động ngay từ những tháng đầu năm đã khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng luôn bám sát mức lãi suất 5%/năm cho kỳ hạn O/N, ngang bằng với mức lãi suất trên giao dịch trên thị trường mở (OMO). Lãi suất trên liên ngân hàng ở mức cao sẽ gây áp lực lên lãi suất huy động vốn trên thị trường 1 của các ngân hàng. Diễn biến này đi ngược hoàn toàn với mục tiêu hiện của Chính phủ.
Ngoài ra, lãi suất cả thị trường 1 và liên ngân hàng tăng lên sẽ kéo theo lợi tức (bond yield) của trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng có xu hướng tăng theo, kết quả này đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả nhiều hơn. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng lại liên tục có xu hướng giảm gần đây. Tỷ giá giảm đồng nghĩa với việc đồng VND tăng giá so với đồng USD. Điều này sẽ làm giảm động lực xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.
Chặn đà rơi của tỷ giá, đồng thời tăng dự trữ ngoại hối
Việc NHNN tăng tỷ giá mua vào trước tiên nhằm mục tiêu chính là chặn đà rơi của tỷ giá. Trước đó, tỷ giá trên interbank đã có một loạt các phiên giao dịch điều chỉnh giảm từ mức 22.900 xuống quanh mức 22.600 đồng/USD khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4. Mức giá 22.675 đồng/USD được xem là giá sàn hay ngưỡng hỗ trợ mạnh trên thị trường ngoại hối hiện nay. Sau quyết định của NHNN tỷ giá đã có xu tăng trở lại và kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4 ở quanh mức 22.700 đồng/USD.
Tăng cung tiền VND nhằm hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng
Mua vào ngoại tệ cũng đồng nghĩa với việc NHNN sẽ phải bơm ra thị trường khối lượng VND tương ứng. Chính vì vậy cung về VND trên thị trường sẽ tăng lên, thanh khoản của toàn hệ thống sẽ được hỗ trợ và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ có xu hướng giảm. Khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống một mức độ nhất định thì sẽ không khuyến khích các ngân hàng tham gia thị trường. Khi đó, các ngân hàng sẽ có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là đầu tư vào TPCP. Cầu về TPCP tăng lên sẽ làm cho lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm xuống.
Diễn biến này cũng là xu hướng chủ đạo trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2016. NHNN đã mua được khoảng 10 tỷ USD, đồng nghĩa với việc 220 nghìn tỷ đã được bơm ra thị trường. Lãi suất kỳ hạn qua đêm (O/N) có thời điểm đã chạm xuống mức thấp kỷ lục khoảng 0,5%/năm. Chính vì vậy, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng trên thị trường 1 trong năm 2016 luôn duy trì mức ổn định.
Chưa rõ liệu NHNN có mua được ngoại tệ hay không, nhưng dù sao thì NHNN vẫn là bên có lợi nhất. Nếu không mua được thì đồng nghĩa với tỷ giá trên thị trường sẽ đảo chiều tăng lên. VND mất giá so với các đồng tiền khác sẽ khiến cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Còn nếu ngược lại, NHNN mua được ngoại tệ từ các TCTD thì cung tiền trong nền kinh tế sẽ tăng lên, mặt bằng lãi suất khi đó sẽ có xu hướng giảm. Qua đó, các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với mức giá thấp hơn để mở rộng sản xuất kinh doanh, kích thích GDP tăng trưởng.