Các ngân hàng vẫn chật vật tăng vốn
Số liệu thống kê cho thấy, trong khi vốn điều lệ của nhóm NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần chỉ tăng lần lượt 0,75% và 0,61% thì tốc độ tăng của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài lại cao gấp 4 lần.
- 04-05-2019Tổng tài sản hệ thống ngân hàng "bốc hơi" gần 140 nghìn tỷ đồng chỉ trong 1 tháng
- 10-04-2019Vốn chủ sở hữu nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân "bốc hơi" hơn 8.000 tỷ ngay tháng đầu năm
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật thống kê các chỉ số cơ bản của hệ thống TCTD trong 4 tháng đầu năm 2019.
Theo đó, đến cuối tháng 4/2019, tổng tài sản của hệ thống đạt 11,21 triệu tỷ đồng, tăng 1,36% (tương đương 150.439 tỷ đồng) so với đầu năm.
Trong đó, tổng tài sản của 7 ngân hàng thương mại nhà nước tăng 1,37% đạt gần 4,93 triệu tỷ đồng. Khối NHTM cổ phần tăng 1,64% đạt gần 4,63 triệu tỷ. Chỉ khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài sụt giảm tổng tài sản (giảm 1,03%) xuống mức 1,12 triệu tỷ đồng.
Vốn tự có của hệ thống TCTD tăng 5,66% tương đương tăng hơn 45.600 tỷ đồng đạt 851.795 tỷ. Trong đó, các công ty tài chính, cho thuê tài chính tăng mạnh nhất (11,52%) đạt 36.315 tỷ đồng. Theo sau là các ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 8,7% đạt 177.037 tỷ đồng.
Vốn tự có đến cuối tháng 4 của khối NHTM Nhà nước và NHTM Cổ phần lần lượt đạt 282.199 tỷ đồng và 352.305 tỷ đồng.
Vốn điều lệ ngân hàng nội tăng chậm chạp, CAR nhóm NHTM Nhà nước chỉ đạt 9,61%
Vốn điều lệ của các ngân hàng nội vẫn còn tăng chậm chạp. Các NHTM Nhà nước tăng 0,75% đạt 149.001 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm, nhóm NHTM cổ phần cũng chỉ tăng 0,61% đạt 268.872 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của các ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 2,76% đạt 116.619 tỷ đồng.
Như vậy, trong khi tổng tài sản của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài chỉ bằng hơn 1/4 so với các NHTM Nhà nước thì vốn điều lệ của nhóm này đã gần đuổi kịp.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của hệ thống cuối tháng 4 là 12,19%, cải thiện nhẹ so với mức 12,14% hồi đầu năm. Trong đó, CAR của nhóm NHTM Nhà nước là thấp nhất, chỉ đạt 9,61%. Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng như VietinBank, BIDV, nếu áp dụng theo chuẩn Basel II, CAR thực tế có thể còn thấp hơn nữa, chỉ quanh mức 8%.
Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN, hiệp hội ngân hàng,…đã liên tục kiến nghị Chính phủ cho phép những ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.
Theo Hiệp hội ngân hàng, nếu 4 ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank không nhanh chóng tăng được vốn thì có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động. Việc các ngân hàng này chậm tăng vốn điều lệ cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế.