MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế

13-08-2022 - 15:59 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin, chịu trách nhiệm về sự an toàn thông tin.

Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu về việc phối hợp, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế.

Theo đó, yêu cầu này được đưa ra dựa trên các quy định tại Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế 2019; Nghị định 117/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về cung cấp thông tin giữa các tổ chức liên quan.

Cụ thể, theo Luật Quản lý thuế năm 2019, khoản 2 điều 27 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản.

Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế - Ảnh 1.

Ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế

Bên cạnh đó, điểm a khoản 2 điều 98 quy định về trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản người nộp thuế và điều 129 quy định về cưỡng chế, phong tỏa tài khoản thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Còn tại Nghị định 126/2020, điều 30 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó yêu cầu ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng theo đề nghị của cơ quan thuế. Các thông tin phải cung cấp bao gồm tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Ngân hàng thương mại cũng phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Khoản 4 điều 31 nghị định này cũng quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế mở tài khoản.

Trong đó, yêu cầu trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế, Kho bạc Nhà nước , tổ chức tín dụng phải cung cấp các thông tin cần thiết bằng văn bản về số hiệu tài khoản, số dư tại thời điểm cung cấp và các thông tin liên quan khác của người nộp thuế bị cưỡng chế mở tại đơn vị mình.

Tương tự, Ngân hàng Nhà nước cũng dẫn các quy định về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng; hình thức, thời hạn, trình tự, thủ tục và hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin; thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng của các đơn vị thuộc cơ quan quản lý thuế… tại Nghị định 117/2018 và một số công văn, thông tư của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Qua đó yêu cầu các ngân hàng tuân thủ việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Yêu cầu kể trên được Ngân hàng Nhà nước đưa ra sau khi Tổng cục Thuế có công văn gửi cơ quan này về tình hình triển khai thử nghiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế với 5 ngân hàng thương mại, gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank và MBBank.

Theo đó, cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng này cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế, tên chủ tài khoản, ngày mở (ngày bắt đầu hoạt động), ngày đóng tài khoản thanh toán.

Tài khoản thanh toán thuộc phạm vi cung cấp là tài khoản theo quy định của luật các tổ chức tín dụng. Thông tin sử dụng để đối chiếu, cung cấp thông tin là mã số thuế hoặc số giấy tờ.


Theo Ngân Thương

Báo Công thương điện tử

Trở lên trên