Ngân hàng Sài Gòn mở rộng thị trường miền Bắc
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại trong năm 2017, hoạt động của các ngân hàng cũng trở về quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Do vậy, cuối năm 2017 Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho nhiều nhà băng được mở rộng mạng lưới. Ngân hàng Sài Gòn (SCB) là một trong số những nhà băng được cấp phép mở mới nhiều điểm giao dịch nhất.
Trong năm 2017, SCB đã được cho phép mở mới 2 chi nhánh và 9 phòng giao dịch tại 11 tỉnh/thành phố, trong đó có 5 điểm giao dịch tại khu vực Bắc và Bắc Trung bộ. Tại khu vực này, SCB đã chính thức hoạt động từ năm 2005. Sau 12 năm hoạt động tại đây, SCB đã có 53 điểm giao dịch tại 6 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An.
Nhận thấy nhu cầu về sản phẩm tài chính ngày càng lớn của người dân và doanh nghiệp khu vực này, SCB quyết định tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động tại đây nhằm tiếp cận nhiều hơn các khách hàng tiềm năng.
Ngày 04/01/2018, SCB sẽ chính thức khai trương hoạt động Chi nhánh Thanh Hóa (SCB Thanh Hóa) tại lô 22 và 23, đường Lê Hoàn, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi có vị trí giao thông thuận tiện, tập trung đông các công ty, ngân hàng, trung tâm thương mại và dân cư đông đúc.
Với cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, khang trang, đội ngũ nhân sự trẻ, chuyên nghiệp, SCB Thanh Hóa được kỳ vọng sẽ đem đến cho khách hàng tại địa phương những trải nghiệm mới mẻ và thú vị khi đến giao dịch. Việc khai trương SCB Thanh Hóa đã nâng số điểm giao dịch của SCB tại khu vực Bắc và Bắc Trung bộ lên 54 điểm, hiện diện tại 7 tỉnh/thành phố.
Thanh Hóa không chỉ là tỉnh có diện tích và dân số thuộc tốp đầu trong số các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mà còn đi đầu trong việc thu hút đầu tư thông qua nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến đầu tư và hoạt động, cũng như nỗ lực xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó phải kể đến Khu Kinh tế Nghi Sơn, được xem là cầu nối giữa Bắc Bộ với Trung và Nam Bộ.
Đây cũng chính là một trong những lý do để SCB quyết định chọn Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong kế hoạch phát triển mạng lưới năm 2018. Sau Thanh Hóa, SCB sẽ tiếp tục ghi dấu sự có mặt của mình tại Thái Bình, một trong những tỉnh năng động, trù phú của khu vực phía Bắc.
Thông tư số 21/2013/TT-NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại đưa ra nhiều điều kiện chặt chẽ khi xét duyệt cấp phép thành lập chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo chỉ những ngân hàng thương mại thực sự có năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, hoạt động an toàn, hiệu quả mới được mở rộng địa bàn hoạt động.
Theo đó, một ngân hàng muốn thành lập chi nhánh, phòng giao dịch mới phải đảm bảo hoạt động có lãi; tuân thủ quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng liên tục trong thời gian 12 tháng trước tháng đề nghị; thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%; đồng thời ngân hàng thương mại có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành.
Việc SCB được NHNN cấp phép thành lập hàng loạt chi nhánh và phòng giao dịch cũng cho thấy hoạt động ngân hàng này có những dấu hiệu tích cực, hiệu quả rõ ràng, dù đang trong giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu.
SCB hiện nằm trong tốp 5 ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất với gần 430.000 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2017, huy động vốn của ngân hàng đạt 361.157 tỷ đồng, tăng 19.6% so với cuối năm 2016; dư nợ đạt 257.627 tỷ đồng, tăng 17,1%.
Ngoài định hướng mở rộng mạng lưới để tiếp cận nhiều hơn với các khách hàng tiềm năng, SCB cũng xác định sẽ phát triển theo hướng ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại thông qua việc triển khai hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, cũng như liên tục đầu tư nâng cao tính an toàn, bảo mật hệ thống.