Ngân hàng sẽ áp đảo "giải cống hiến" ngân sách 2017
Nhiều ngân hàng thương mại cơ bản chốt kết quả kinh doanh 2017 với lợi nhuận đột biến...
- 08-01-2018Bức tranh ngành ngân hàng 2017 qua các con số
- 01-01-2018Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện quyết liệt và khẩn trương Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu
- 25-12-2017Đầu tháng 1/2018, liên tiếp xét xử hai “đại án” ngành ngân hàng
Hàng năm, Bộ Tài chính công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam, một sự ghi nhận đóng góp của họ vào ngân sách và phát triển nền kinh tế.
Năm 2016, trong top 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất chỉ có 2 ngân hàng thương mại, trong top 50 chỉ có 11 ngân hàng thương mại.
Trong top 10, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dẫn đầu khối ngân hàng và đứng thứ 6 trong tổng sắp, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đứng thứ 9.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sát kề top 10, khi đứng thứ 11.
Trong top 20, cùng với BIDV còn có Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Quân đội (MB).
Trong top 50 có thêm nhiều thành viên như Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Shinhan Việt Nam, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Năm 2017, dự kiến khối ngân hàng thương mại sẽ áp đảo cũng như tạo thay đổi thứ hạng trong danh sách và phân top nói trên, với loạt thành viên có lợi nhuận tăng trưởng đột biến.
Đầu tiên, Vietcombank có thể tạo thay đổi trong top 10, sau khi đạt được lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2017 vào khoảng 10.800 tỷ đồng (nếu tính hợp nhất vượt trên 11.000 tỷ đồng).
Năm 2016, Vietcombank nộp ngân sách tới 4.100 tỷ đồng (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp 1.700 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 330 tỷ đồng và cổ tức 2.055 tỷ đồng). Năm 2017, dự kiến ngân hàng này sẽ tăng nộp lên khoảng 4.700 tỷ đồng (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 2.100 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 380 tỷ đồng và cổ tức đã nộp 2.220 tỷ đồng).
VietinBank dự kiến có thể tiếp tục giữ vị trí trong top 10 nộp thuế, với lợi nhuận trước thuế 2017 vào khoảng hơn 9.000 tỷ đồng. BIDV có triển vọng lọt vào top 10 này, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất vừa cập nhật vào khoảng 8.800 tỷ đồng.
Trong top 20, bên cạnh MB và Agribank, năm 2017 kỳ vọng Techcombank có thể nhập top, với kết quả lợi nhuận tăng trưởng cao cập nhật các quý trong năm, sau khi đứng thứ 24 năm 2016.
Và dự kiến áp đảo và có nhiều thay đổi thứ hạng sẽ tập trung ở top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất 2017.
Như với ACB, sau khi khấu hao rủi ro những năm trước, lợi nhuận 2017 bắt đầu nhẹ bước và tăng tốc trở lại. Trong khi VPBank tiếp tục tạo ấn tượng, dự kiến lợi nhuận trước thuế tiếp tục vượt trên 10% chỉ tiêu kế hoạch (chỉ tiêu đã được điều chỉnh và nâng lên so với kế hoạch đưa ra đầu năm).
Năm 2016, SHB đứng thứ 49 trong top 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất. Và 2017, dự kiến thứ hạng ngân hàng này có thể nâng lên, khi lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng trưởng đột biến, với khả năng vượt mốc 2.000 tỷ đồng.
Top 50 này nhiều khả năng sẽ đón thêm thành viên mới đến từ khối ngân hàng, với kết quả lợi nhuận trước thuế cũng tăng trưởng đột biến của Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) năm qua, đạt 2.420 tỷ đồng.
Và thêm một ứng viên nhiều khả năng cũng vào top 50 là Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), khi dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2017 ít nhất đạt 1.700 tỷ đồng (năm 2016 LienVietPostBank đứng thứ 67).
Tất nhiên, danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất được tách theo riêng lẻ. Ví như VPBank còn có công ty con là công ty Tài chính TNHH một thành viên VPBank đứng thứ 33 năm 2016. Và các doanh nghiệp ở các ngành, lĩnh vực khác cũng có biến động kết quả kinh doanh năm qua để có thể tạo nhiều thay đổi.
Nhưng về tổng thể, đến nay, khối ngân hàng thương mại đang cho thấy sự bứt phá về lợi nhuận và triển vọng gia tăng nộp ngân sách.
Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) vẫn dẫn đầu về quy mô. Ngân sách và Nhà nước có lợi ích lớn tại tại đây, cũng như có trách nhiệm lớn khi là cổ đông lớn hoặc sở hữu chi phối.
Song, đã bước sang năm thứ ba kể từ khi nổ ra sự giằng co gay gắt giữa yêu cầu tăng vốn tại BIDV và VietinBank với chuyện cổ tức bằng tiền (2016), ngân sách vẫn chưa mở hầu bao cho những ngân hàng này tăng vốn như yêu cầu.
Trong khi đó, với mô hình và cơ chế linh hoạt, năng động hơn, trong 2017 nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã lần lượt tăng mạnh vốn điều lệ để thúc đẩy kinh doanh, cũng như tạo thêm một động lực nâng hạng trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cho ngân sách.
Vneconomy