Ngân hàng tăng vốn: Rồi sao nữa?
Một số ngân hàng đã hoàn thành việc tăng vốn để tập trung mở rộng kinh doanh trong nhiều năm tới, nhưng số khác thì vẫn còn loay hoay...
- 03-09-2017VIB xin hủy tăng vốn và mua cổ phiếu quỹ, kịch bản của Techcombank có lặp lại?
- 03-09-2017VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên trên 15.700 tỷ
- 14-07-2017LienVietPostBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng
“Đại hội” tăng vốn
Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán, ngân hàng VPBank thực hiện kế hoạch tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ hơn 164 triệu cổ phần, thu về 6.423 tỷ đồng vào giữa tháng 9 vừa qua. Ngoài phần vốn dùng để mở rộng kinh doanh, khoảng 1.647 tỷ đồng được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng, vừa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt lên mức 15.706 tỷ đồng.
Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm nay VPBank tăng vốn điều lệ. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng 71%, từ mức 9.181 tỷ đồng vào cuối năm 2016.
Cùng được cấp phép tăng vốn lần này với VPBank là Ngân hàng Quân Đội, vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ mức 17.127 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng khác vẫn đang tiếp tục kế hoạch tăng vốn đưa ra từ hồi đầu năm. Chẳng hạn như, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên gần 14.000 tỷ đồng, ACB dự tính tăng vốn lên 11.259 tỷ đồng. Các ngân hàng khác cũng không nằm ngoài cuộc đua này, như Ngân hàng Nam Á đưa ra kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, HDBank lên 8.829 tỉ đồng, LienVietPostBank lên mức 7.000 tỉ đồng.
Thực tế, các ngân hàng như Vietcombank, VPBank hay MBB đều buộc phải “ráo riết” tăng vốn vì nằm trong số 10 ngân hàng thí điểm chuẩn hoạt động mới Basel II, số còn lại bao gồm BIDV, Vietinbank, Techcombank, ACB, Sacombank, MaritimeBank và VIB. Chuẩn Basel II được quy định cụ thể trong Thông tư 41 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, tạo áp lực lớn lên những ngân hàng thí điểm trong khi với nhóm ngân hàng còn lại, thời hạn tăng vốn dự kiến đến năm 2020.
Như vậy, sau nhiều năm “dậm chân” tại chỗ, các ngân hàng đã đến thời điểm buộc phải tăng vốn. VPBank đang “mở hàng” thành công cho trào lưu ngân hàng tăng vốn trong năm nay, cho dù 9 tháng đầu năm đã qua và chưa nhiều ngân hàng thực hiện được kế hoạch tăng vốn đề ra. Năm ngoái, trường hợp tăng vốn ấn tượng có thể kể đến Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 26.650 lên trên 35.978 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 35%.
Áp lực dòng tiền
Hai năm gần đây, yêu cầu tái cấu trúc cũng như nâng cao tiêu chuẩn an toàn hoạt động tạo sức ép ngày một lớn hơn lên đôi vai các ngân hàng. Thống kê chung cho thấy có 19 ngân hàng đặt ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay với tổng mức tăng thêm là 37.135 tỷ đồng. Con số trong năm 2016 là 55.940 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 1.300 tỷ đồng vốn, trong khi đó các ngân hàng thương mại nhà nước lên đến gần 2.500 tỷ đồng. Tăng vốn điều lệ luôn là thách thức lớn đối với các ngân hàng, không chỉ vì số tiền vốn lớn, mà còn ít đối tượng tham gia.
Thông thường, có 3 địa chỉ để các ngân hàng có thể gõ cửa tìm vốn, bao gồm các cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư tiềm năng và nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các cách gọi vốn phổ biến là phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ, chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Nhiều năm trở lại đây, các ngân hàng muốn tăng vốn nhưng không dễ thực hiện qua các kênh truyền thống. Nguyên nhân vì ngành ngân hàng đang ở trong giai đoạn khó khăn, cổ tức thấp, hoạt động tín dụng khó khăn và nợ xấu cao. Các nhà đầu tư e dè với cổ phiếu ngân hàng. Trong khi đó, kênh vốn ngoại lại đang bị “tắc” khi các cổ đông ngoại không mặn mà với nhiều ngân hàng Việt, đặc biệt là khi vấn đề giới hạn room ngoại được nhắc đến nhiều chưa được giải quyết triệt để. Năm ngoái, Vietcombank đã bỏ lỡ cơ hội bén duyên với dòng vốn ngoại.
Vì vậy, dòng tiền từ chính các ngân hàng xem ra là khả thi nhất trong bối cảnh hiện nay, cho dù lòng tin cũng đang bị ảnh hưởng bởi quá trình tái cấu trúc hệ thống. Lợi nhuận ngân hàng làm ra nay được giữ lại để tăng vốn, đồng nghĩa với tiền mặt được giữ lại, thay bằng cổ phiếu.
ACB chọn cách chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu. VIB cũng đưa ra phương án 2 tăng vốn bằng cách trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tỉ lệ tối đa 44,6%. Ngay cả VPBank trong đợt tăng vốn thứ 2 trong năm nay cũng tăng vốn từ việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 31,83%.
Một trường hợp điển hình của việc gọi vốn khó khăn là BIDV. BIDV từ năm 2016 đến nay không tăng vốn điều lệ, năm nay đưa ra kế hoạch 3 đợt tăng vốn tương đương với mức tăng 4.445 tỷ đồng, bằng phương pháp trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) và phát hành riêng lẻ. Phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi và tìm nhà đầu tư nước ngoài cũng được nhắc đến. Năm ngoái, BIDV cũng đưa ra kế hoạch gần tương tự.
Thực tế, việc phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư có thành công hay không lại phụ thuộc vào năng lực của chính ngân hàng đó. Không cổ đông hiện hữu hay tiềm năng nào muốn sở hữu thêm cổ phiếu ngân hàng mà mình không chắc về lợi tức trong tương lai.
Điểm tích cực là cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa bị nhà đầu tư quay lưng khi nhìn vào trường hợp của VPBank. Nhờ tăng trưởng trong thời gian qua, VPBank thu hút dòng vốn đổ về với mô hình sinh lợi, tỉ suất lợi nhuận hiện ở mức cao nhất trên thị trường ngân hàng. Sau thành công từ việc phát hành thêm của VPBank, Vietcombank đang có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu với tỉ lệ 10% vốn điều lệ hiện tại, chào bán ra nhà đầu tư bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài từ nay đến năm sau.
Có một thực tế là tình hình ngành ngân hàng từ đầu năm đến nay đã có nhiều điểm tích cực hơn. Theo đó, quy mô lợi nhuận ngân hàng làm ra cao hơn, giá cổ phiếu tốt hơn và nợ xấu đã có những bước xử lý mới tích cực.
Thị trường tốt lên rõ ràng là cơ hội để các ngân hàng tranh thủ gọi vốn, như câu chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán của VPBank. Sau đợt gọi vốn này, lãnh đạo VPBank cho biết ngân hàng sẽ không cần phải lo lắng đến vấn đề tăng vốn trong vòng 3 năm tới.
Trong khi đó, Techcombank cũng tỏ ra khá tự tin với kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 8.878 tỷ đồng lên 13.878 tỷ đồng vào cuối năm bằng cách chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không hẳn là cuộc đua về vốn diễn ra như thế nào, mà phải đặt câu hỏi liệu hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng có tốt hơn khi năng lực tài chính tăng lên, cơ hội kinh doanh rộng mở? Điều này hẳn nhiên còn phụ thuộc vào chiến lược và từng bước đi cụ thể của mỗi ngân hàng.
Vneconomy