MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Thế giới: "Duy trì hộ khẩu để giảm tình trạng nhập cư vào các thành phố"

Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi còn duy trì cơ chế sổ hộ khẩu. Dù được đánh giá là lạc hậu, thậm chí là khôi hài, hộ khẩu vẫn tồn tại.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), cả nước có 5,6 triệu người tại các địa bàn khảo sát không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú. Con số này bao gồm 36% dân cư của TP.HCM và 18% dân cư ở Hà Nội.

Không có hộ khẩu khiến cho cơ hội được tiếp cận các dịch vụ công của những người này bị hạn chế.

70% người được hỏi cho biết họ bị hạn chế quyền lợi, trở thành công dân loại 2. Ngoài ra, họ cũng cho rằng đây là cơ sở của tiêu cực và tham nhũng.

Các chuyên gia cũng cho rằng hộ khẩu là một cơ chế cũ, đã lỗi thời, hạn chế đến quyền lợi đông đảo người dân. Thậm chí, hộ khẩu gây nên những câu chuyện tưởng chừng phi lý như là phải nhờ người khác đứng tên mua xe đến những chuyện khổ sở như không cách nào xin học cho con vào trường công…

Lạc hậu là vậy, nhưng hộ khẩu vẫn nghiêm nhiên tồn tại. World Bank trong báo cáo của mình đã chỉ ra động cơ chính để duy trì hộ khẩu là “nhằm giảm tình trạng nhập cư vào các thành phố đô thị”.

Việc người dân di cư ồ ạt vào các đô thị lớn đã tạo ra những lo ngại đặc biệt cho các nhà quản lý địa phương về gánh nặng mà những người nhập cư mới đặt lên các dịch vụ công.

Về mặt ngân sách, có những quan ngại về những hạn chế đối với ngân sách địa phương, đặc biệt đối với vấn đề y tế và giáo dục với sự gia tăng người nhập cư.

“Một bản tính toán đầy đủ về tác động ngân sách của di cư cần phải tính đến các tác động không chỉ là chi tiêu mà còn là các khoản thu và khoản chuyển nguồn liên chính quyền” World Bank cho biết.

Phân tích thống kê cho thấy việc gia tăng thêm người cư trú sẽ gắn với các khoản chi tiêu, thu nhập và các khoản chuyển nguồn lớn hơn.

Theo thống kê của World Bank, mỗi một người tăng thêm vào dân số của một tỉnh hoặc thành phố sẽ gắn với một sự gia tăng trong khoảng 388 nghìn đến 456 nghìn đồng/năm trong chi phí y tế và giáo dục của tỉnh đó.

Tuy nhiên, World Bank cho rằng tác động ngân sách ròng của một người nhập cư thêm là không rõ ràng nhưng nó được xác định là mang tính tích cực nhiều hơn so với việc chỉ tập trung vào các chi phí phát sinh từ việc nhập cư.

“Mức độ tác động này được lượng hóa dao động trong khoảng từ âm 697 nghìn đồng tới 3.346 nghìn đồng/năm”.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên