MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, kỳ hạn dài có thể thoả thuận cộng tới gần 1%

27-08-2020 - 20:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất kỳ hạn ngắn vừa được các ngân hàng điều chỉnh giảm và đang neo thấp hơn nhiều so với mức trần do NHNN quy định.

Theo thông báo mới đây của Ngân hàng Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng của nhà băng này chỉ còn 3,5%/năm, giảm 0,2 điểm % so với mức 3,7% trước đó. Kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4% xuống 3,8%/năm trong khi kỳ hạn 9 tháng chỉ còn 4,5%/năm thay vì mức 4,6% cũ. Lãi suất các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên duy trì ổn định và lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 6,1%/năm.

Tại VietinBank, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến 3 tháng cũng giảm 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 8, hiện còn 3,5%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng và kỳ hạn 3 tháng là 3,8%/năm - giống như ở Vietcombank. Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ 4,4% - 4,5%/năm. Lãi suất cao nhất cho tiền gửi là 6%/năm.

Tại BIDV, lãi suất cũng được điều chỉnh tương tự và đang niêm yết như của VietinBank, tức là kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 3,5 - 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng lần lượt ở mức 4,4% và 4,5%/năm và cao nhất là 6%/năm cho các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.

Ở các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất gần đây cũng được neo ở mức thấp, với các kỳ hạn dưới 6 tháng đều thấp hơn rất nhiều so với mức trần 4,25% của Ngân hàng Nhà nước. Chẳng hạn tại VPBank lãi suất là 3,5% - 3,8%/năm tuỳ thuộc số tiền gửi; ở Techcombank có dải từ 3,15% - 3,9% cũng tuỳ theo số tiền; tại MB là 3,6 - 3,85%/năm, ở OCB là 4% - 4,25%/năm, tại VIB là 3,95%/năm đồng loạt cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị áp trần, các ngân hàng tư nhân cũng thông báo lãi suất thấp so với trước đây nhưng so với nhóm Big4 thì cao hơn hẳn, phổ biến từ 5,2% - 6%/năm ở ngân hàng lớn và 6 - 7%/năm ở các ngân hàng nhỏ hơn.

Tuy nhiên có một thực tế là nhiều ngân hàng vẫn đang cho khách hàng được thoả thuận lãi suất tuỳ theo số tiền gửi.

Chẳng hạn tại ngân hàng V., mặc dù biểu lãi suất huy động niêm yết là 5,7-5,9%/năm cho kỳ hạn 6 tháng nhưng nếu có khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên là có thể được ngân hàng "gợi ý" cộng thêm tới 0,6%/năm, tức lên đến 6,5%/năm, nếu có tiền tỷ gửi thì mức cộng lớn hơn. Hay tại ngân hàng S., nếu là khách hàng VIP và có nhiều tỷ mang đi gửi, mức lãi suất cộng thêm được mời tới 0,7 - 0,8%/năm. Tại ngân hàng N., mức thoả thuận khi gửi tiền tỷ cũng cao hơn nhiều so với biểu niêm yết.

Theo một số cán bộ cấp cao ở ngân hàng, việc lãi suất thoả thuận kỳ hạn trên 6 tháng là không vi phạm quy định của NHNN và được áp dụng tuỳ theo nhu cầu huy động vốn của các chi nhánh.

Nhận xét về xu hướng lãi suất hiện nay, theo các chuyên gia phân tích, các ngân hàng dồi dào thanh khoản trong khi nhu cầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế vẫn hiện hữu nên chủ động điều chỉnh lãi suất đầu vào. SSI Research còn tin rằng xu hướng giảm lãi suất sẽ tiếp diễn khi đưa ra dự báo từ giờ đến cuối năm lãi suất có thể giảm thêm khoảng 50-70 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

H. Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên