MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tìm vốn rẻ

17-11-2021 - 10:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tìm vốn rẻ

Các ngân hàng vay vốn nước ngoài để tối ưu chi phí vốn, phục vụ hoạt động kinh doanh.

Tiền gửi không kỳ hạn, là lượng tiền thanh toán của khách hàng duy trì trong tài khoản có lãi suất thấp chỉ 0,1-0,2%. Qua đó, các nhà băng có thể cân đối và luân chuyển dòng tiền này để cho vay với chi phí rẻ hơn tiền gửi có kỳ hạn. Đây cũng là lý do nhiều ngân hàng đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng các ứng dụng trên điện thoại, internet banking, đồng thời có các chương trình như miễn phí chuyển khoản, thanh toán… để thu hút khách hàng cá nhân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ. 

Ngân hàng tìm vốn rẻ - Ảnh 1.

CASA tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.

Techcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên sử dụng chương trình “zero fee”, nhờ đó đang có tỷ trọng CASA cao nhất trong ngành với 38%. Các ngân hàng khác cũng đẩy mạnh thu hút và tăng tỷ trọng nguồn vốn này có thể điểm tới như MB chiếm 36% và Vietcombank với 31%. MB và Vietcombank cũng là hai ngân hàng gần nhất tung ra các chương trình miễn phí chuyển khoản, thanh toán cho các khách hàng duy trì lượng tiền gửi trên tài khoản thanh toán nhất định.

Hiện nay, tăng tỷ trọng CASA trở thành xu thế trong toàn ngành ngân hàng. MSB – ngân hàng đứng thứ tư về tỷ trọng CASA lên kế hoạch đạt 40.000 tỷ đồng vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng bình quân hiện nay là 300-500 tỷ đồng mỗi tháng. Trong khi đó, VPBank, hai năm gần đây, xem nâng CASA là mục tiêu trọng tâm để giảm chi phí vốn.

Tìm nguồn vốn nước ngoài

Giữa bối cảnh cạnh tranh để giành lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng, nhiều ngân hàng cũng tìm đến các dòng vốn rẻ khác, trong đó có các định chế tài chính quốc tế. Từ đầu năm, nhiều ngân hàng Việt Nam đã nhận được các khoản vay từ JICA, IFC…

Gần nhất, VPBank và SMBC đạt thỏa thuận ký kết khoản vay hợp vốn cùng sự tham gia của bốn ngân hàng quốc tế là CTBC Bank, Hua Nan Commercial Bank, State Bank of India, First Commercial Bank, và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tư cách là các bên cho vay, tổng giá trị 300 triệu USD. Toàn bộ gói hỗ trợ tài chính quốc tế cùng SMBC sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho VPBank nhằm cho vay mới đối với những khách hàng gặp khó khăn gián đoạn dòng tiền bởi đại dịch Covid-19, hỗ trợ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ.

Ngân hàng tìm vốn rẻ - Ảnh 2.

Buổi ký kết khoản vay hợp vốn của VPBank. Ảnh: VPBank.


Tương tự, Techcombank, đầu tháng 10 cũng huy động khoản vay hợp vốn nước ngoài 800 triệu USD. Khoản vay tín chấp này bao gồm hai cấu phần, 600 triệu USD với kỳ hạn 3 năm và 200 triệu USD với kỳ hạn 5 năm. Lãi suất của khoản tín dụng này bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,35%/ năm cho kỳ hạn 3 năm và 1,62%/ năm cho kỳ hạn 5 năm.

Một số ngân hàng khác như HDBank cũng nhận khoản vay hợp vốn 71 triệu USD do Mega Bank thu xếp, nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid. Ngân hàng này cũng nhận 50 triệu USD từ Proparco - Tổ chức Tài chính Phát triển của Pháp để cho vay phát triển các dự án xanh tại Việt Nam.

CEO MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh, tại buổi gặp mặt chuyên viên phân tích gần đây, cũng chia sẻ ngân hàng đang làm việc với nhiều định chế tài chính nước ngoài để thu xếp các khoản vay với giá trị 100 triệu USD.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong khi tiền đồng giữ giá trị, thậm chí tăng giá so với USD là yếu tố thuận lợi đối với các ngân hàng Việt và các tổ chức phát hành quốc tế. Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng đều có thể nhận khoản vay, bởi các định chế tài chính ngoại sẽ căn cứ vào định hạng tín nhiệm và năng lực tài chính của ngân hàng để xem xét giải ngân.

Lãnh đạo của TPBank từng chia sẻ một ngân hàng tốt, không chỉ cho vay giỏi mà huy động vốn cũng phải giỏi. Khi tìm kiếm các nguồn vốn từ các định chế tài chính ngoại, xây dựng niềm tin từ việc đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, có thể giúp ngân hàng nhận được nguồn vốn với chi phí thấp hơn.

Bán công ty con, hợp tác bancassurance

Bên cạnh các khoản vay và tiền gửi, nhiều ngân hàng cũng tìm nguồn lực từ bán các tài sản, hay quyền lợi hợp tác kinh doanh nổi bật nhất là các thương vụ bancassurance độc quyền. Trong 2 năm gần đây, nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đã được ký kết. Các ngân hàng nhận được khoản phí trả trước hàng nghìn tỷ đồng. Một số thương vụ nổi bật như Vietcombank hợp tác FWD, ACB, MSB hợp tác Prudential, VPBank hợp tác với AIA…

Ngoài ra, việc bán các công ty con và phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược ngoại cũng mang về dòng tiền cho các ngân hàng. Vừa qua, VPBank đã bán 49% vốn FE Credit cho SMBC với định giá 2,8 tỷ USD, đây sẽ là nguồn tiền lớn để bổ sung vào vốn kinh doanh của ngân hàng. Đồng thời, nhà băng này có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong thời gian tới.

MSB cũng đang trong quá trình bán toàn bộ 100% vốn tại FCCOM cho đối tác và dự kiến hoàn tất trong năm sau, ước tính sẽ mang về lợi nhuận 2.000 tỷ đồng. Đây sẽ là dòng tiền bổ sung vào nguồn vốn cho vay của ngân hàng.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên