MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng trầy trật thu hồi nợ

13-04-2017 - 08:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ngân hàng thương mại cho biết chưa bao giờ việc xử lý, thu hồi nợ lại gặp khó khăn như hiện nay.

Ngày 12-4, Ngân hàng (NH) Nhà nước và UBND TP HCM đã tổ chức gặp mặt các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động của các NH thương mại.

“Quyền chủ nợ không có!”

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), đã thốt lên như vậy khi nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ. Theo ông, NH là chủ nợ nhưng gần như không có quyền hạn khi giải quyết nợ xấu qua tòa án. Thậm chí, tòa án và cơ quan thi hành án cũng bị ràng buộc bởi các yếu tố pháp lý nên nhiều khoản nợ không thể thu hồi. “Việc đòi nợ của các NH hiện nay khổ trăm bề và dù đã được tòa án, cơ quan thi hành án hỗ trợ nhưng có những vụ không dễ xử lý” - ông Dũng nêu thực trạng.


Do chưa có cơ chế đặc thù nên ngân hàng gặp khó trong việc thu hồi nợ Ảnh: TẤN THẠNH

Do chưa có cơ chế đặc thù nên ngân hàng gặp khó trong việc thu hồi nợ Ảnh: TẤN THẠNH

Do đó, mới đây, VietinBank đã phải mời Tổng cục Thi hành án, tòa án vào làm việc trực tiếp nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình xử lý, thu hồi nợ của NH.

Nhiều lãnh đạo NH nhìn nhận việc xử lý nợ xấu gặp khó khăn vì chưa có cơ chế đặc thù, luật đặc thù để giải quyết những vấn đề phát sinh. Nhiều vụ việc tòa án đã xử xong nhiều năm nhưng NH vẫn không thể thu hồi nợ.

Tổng Giám đốc NH TMCP Sài Gòn (SCB), ông Võ Tấn Hoàng Văn, cho biết chủ dự án Rubyland (quận Tân Phú) thế chấp dự án này cho NH rồi bán căn hộ cho người dân, thu tiền xong nhưng lại không trả nợ cho SCB. Kết quả là những người đã mua căn hộ Rubyland không thể làm sổ đỏ. Vụ việc lùm xùm và UBND TP HCM có kết luận giao cho Sở Xây dựng giải quyết. SCB sẵn sàng hỗ trợ người dân làm sổ đỏ nhưng quá trình thu hồi nợ từ các tài sản thế chấp của chủ đầu tư ở NH này lại gặp nhiều khó khăn.

“SCB đã khởi kiện một doanh nghiệp ở quận 10 lên TAND quận từ năm 2013 nhưng đã hơn 4 năm vẫn chưa được xét xử vì tài sản thế chấp là văn phòng cho thuê. Tòa án yêu cầu phải mời được người thuê văn phòng là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng người thuê không tới nên vụ việc bị đóng băng đến giờ, NH không thể thu hồi nợ” - ông Văn dẫn chứng.

Trong khi đó, tình trạng quá tải trong xử lý các vụ án liên quan đến thu hồi nợ cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP HCM. Có những món vay chỉ vài trăm triệu đồng nhưng NH cũng phải làm đầy đủ các bước - từ khởi kiện ra tòa đến chờ thi hành án… - nên tốn nhiều thời gian, công sức.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), kiến nghị NH Nhà nước và UBND TP HCM cần có cơ chế xem xét chuyển những vụ án có giá trị vay nhỏ sang trọng tài kinh tế để rút ngắn thời gian xử lý hoặc cho phép NH thương mại được lựa chọn tòa án nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ.

Sẽ tháo gỡ ngay trong thẩm quyền

Theo NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, đến cuối tháng 2-2017, tỉ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 3,67%. Nếu trừ nợ xấu của 3 NH thương mại được NH Nhà nước mua lại 0 đồng, tỉ lệ này còn ở mức 1,96%. Ông Trần Đình Cường, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận nợ xấu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động NH. Đặc biệt, nợ xấu của nhóm NH liên quan đến các vụ án rất khó xử lý, phụ thuộc nhiều vào kết quả của tòa án, thi hành án.

Phản ánh của các NH thương mại cho thấy nhiều khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm nợ vay và thu hồi nợ. Chẳng hạn, thủ tục để đưa tài sản bảo đảm ra bán đấu giá phải qua nhiều giai đoạn, thời gian kéo dài so với quy định - từ thủ tục xác minh, cưỡng chế tài sản đến thẩm định giá tài sản. Tòa án không nhận đơn kiện của tổ chức tín dụng khi không xác định được chỗ cư trú, nơi hoạt động của khách hàng vay do khách hàng cố tình thay đổi nơi cư trú để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.

Trong khi đó, hiện các NH là bên được thi hành án phải nộp phí thi hành án. Điều này vô tình làm cho người phải thi hành án chây ì, không tự nguyện, kéo dài thời gian thi hành. Nếu NH không thu hồi được nợ thì phí thi hành án khá cao, tạo nên áp lực tài chính, giảm giá trị khoản nợ được thu hồi…

Để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng kiến nghị UBND TP HCM chỉ đạo sở, ngành hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thi hành án, tòa án và xử lý tài sản thế chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho NH trong công tác xử lý, thu hồi nợ. Cụ thể, cần quy định thời gian tối đa đối với việc kê biên, xử lý tài sản thế chấp của cơ quan thi hành án. Bởi lẽ, một số NH thương mại phản ánh có nhiều hồ sơ mất 1-2 năm vẫn chưa xử lý xong.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định những vướng mắc của các tổ chức tín dụng mà trong thẩm quyền, TP cam kết sẽ giải quyết sớm. TP cũng sẽ tổ chức cuộc họp giữa các tổ chức tín dụng với các ban, ngành liên quan đến quá trình xử lý, thu hồi nợ như tòa án, cơ quan thi hành án… nhằm giải quyết vướng mắc cho NH.

Phó Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết để giải quyết các vướng mắc, NH Nhà nước đang trình Chính phủ và Quốc hội dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu nhằm tạo điều kiện cho NH xử lý nợ xấu tốt hơn. “Chúng ta phê phán nợ xấu cao nhưng lại chưa cho công cụ để giải quyết dứt điểm. Hy vọng Quốc hội thông qua luật này, vấn đề nợ xấu sẽ được xử lý triệt để hơn” - ông Thanh nói.

Chi 20 tỉ đồng để rút ngắn thời gian làm thủ tục

Theo quy định, thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm là 3 ngày làm việc. Hiện mới có vài quận như 7, 11, Bình Thạnh… trả kết quả trong 1 ngày làm việc nên các NH thương mại kiến nghị những địa phương còn lại cũng giảm thời gian quy định trả hồ sơ giao dịch bảo đảm để tạo thuận lợi cho người dân, DN và NH. Bởi lẽ, một ngày cũng làm phát sinh lãi suất, chi phí của doanh nghiệp, NH.

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhận định một trong những khó khăn là trang thiết bị ở các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai còn lạc hậu. Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai đang xin thực hiện dự án thuê công nghệ quản lý để kết nối chi nhánh văn phòng đất đai các quận, huyện với TP nhưng chưa có kinh phí, khoảng 20 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định sẵn sàng cấp đủ kinh phí để giải quyết sự chậm trễ, rút ngắn thời gian đăng ký giao dịch bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

Theo Thái Phương - Thy Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên