Ngân hàng tuần qua: Cổ phiếu ''khai xuân'' tích cực, cuộc đua lãi suất hạ nhiệt
Ngành ngân hàng tuần qua ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
- 29-01-2023Nhiều ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi ngay sau Tết
- 29-01-2023Gói hỗ trợ lãi suất 2% khó tiếp cận, doanh nghiệp đành "buông"
- 28-01-2023Ra Tết liệu có còn cơ hội gửi tiền lãi suất cao?
19 mã ngân hàng tăng giá trong phiên ''khai xuân''
Cổ phiếu ngân hàng khởi đầu năm Quý Mão với phiên giao dịch đầy hứng khởi, sắc xanh chiếm áp đảo trên bảng điện tử.
Kết phiên giao dịch 27/1, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 19/27 mã tăng giá, trong đó NAB (+7,4%) và OCB (+5,1%) là 2 mã tăng giá mạnh nhất. Các mã tăng mạnh tiếp theo có thể kể đến TPB (2,1%), VIB (2%), ACB (1,3%),…
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn lại hạ nhiệt sau thời gian tăng mạnh vừa qua như BID (-3%), CTG (-2,4%), TCB (-0,2%), STB (-0,6%), EIB (-0,6%). Các cổ phiếu đứng giá tham chiếu là VCB, VBB, BVB.
Thanh khoản toàn ngành đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó VPB là cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất đạt 482 tỷ đồng, tiếp đến là TPB (313 tỷ đồng), STB (230 tỷ đồng).
Nhiều ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi ngay sau Tết
Nhiều ngân hàng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ giữa và cuối tháng 1. Trong đó, mức lãi suất tối đa tại các nhà băng này đã đồng loạt giảm 0,1-0,5 điểm %.
Như tại Techcombank , mức lãi suất huy động cao nhất ở ngân hàng này là 9,2%/năm. Trong khi trước tết, con số này là 9,5%/năm.
Tại Sacombank , trước đây mức lãi suất cao nhất mà nhà băng này huy động là 9,8%/năm. Tuy nhiên, đến nay, lãi suất cao nhất chỉ còn 9,2%/năm áp dụng cho tiền gửi online, kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng.
Tại PVCombank cũng có hiện tượng tương tự. Trước đây, lãi suất cao nhất ở ngân hàng này là 9,9%/năm dành cho khách hàng gửi tiền qua kênh online theo hình thức tiền gửi bậc thang, kỳ hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đến hiện tại, loại sản phẩm này chỉ còn lãi suất 9,5%/năm.
Saigonbank - ngân hàng đầu tiên niêm yết mức lợi tức tiền gửi lên đến 10,5%/năm trong năm ngoái cũng đã có hành động hạ lãi suất. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, cả online lẫn tại quầy.
OceanBank - một ngân hàng trước đây cũng đã từng niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên đến 10%/năm, hiện mức lợi tức cao nhất chỉ còn 9,2%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đã hạ lãi suất cao nhất như DongABank (từ 9,85% xuống còn 9,5%/năm); BacABank (từ 9,8%/năm xuống còn 9,5%/năm); VietCapitalBank (từ 9,5%, hiện tại chỉ còn 8,9%/năm).
Người dân và doanh nghiệp gửi thêm hơn 126 nghìn tỷ đồng vào ngân hàng trong tháng 11
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, đến cuối tháng 11/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 126.600 tỷ đồng so với cuối tháng 10. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Cả tiền gửi dân cư lẫn doanh nghiệp đều có tăng trưởng trong tháng 11. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 84.597 tỷ đồng lên 5,74 triệu tỷ; tiền gửi doanh nghiệp tăng 42.041 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng.
Người nhà lãnh đạo ACB và VIB muốn giao dịch lượng lớn cổ phiếu
Theo thông báo của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB – Mã: ACB), bà Nguyễn Thị Hải Tâm - em gái Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Nguyện đăng ký mua vào 1,3 triệu cổ phiếu ACB để đầu tư tài chính cá nhân.
Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 1/2 - 1/3 theo phương thức thoả thuận. Hiện bà Tâm sở hữu 2.187 cổ phiếu ACB, trong khi ông Nguyễn Khắc Nguyện đang nắm giữ hơn 193.437 cổ phiếu. Ước tính, người nhà ông Nguyễn Khắc Nguyện sẽ chi ra khoảng 34 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Tại VIB, ông Đỗ Xuân Thụ, cha đẻ của ông Đỗ Xuân Hoàng - thành viên HĐQT vừa đăng ký bán ra 28 triệu trong số gần 54,4 triệu cổ phiếu VIB đang nắm giữ để cơ cấu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian 3/2 – 2/3/2022.
Cùng thời gian trên, Đỗ Xuân Việt, con trai ông Đỗ Xuân Hoàng và là cháu nội ông Đỗ Xuân Thụ đăng ký mua 29 triệu cổ phiếu VIB. Ông Việt hiện không sở hữu cổ phiếu VIB nào. Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Hoàng sở hữu hơn 104,6 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,964% vốn tại VIB.
Nhiều khả năng đây là giao dịch chuyển nhượng nội bộ trong gia đình ông Hoàng.
Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản
Chiều ngày 27/1, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành ngân hàng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chú trọng rà soát cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định về hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý, Ngành Ngân hàng cần điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành ngân hàng.
Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.
Thủ tướng nhấn mạnh: Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện, Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào,…
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo TCTD tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các TCTD; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các NHTM đã được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Nhịp sống Thị trường