Ngân hàng tuần qua: Lãi suất hạ nhiệt, loạt kiến nghị “nóng” cứu BĐS
Tuần qua đã diễn ra Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tại đây, ngành ngân hàng đã đưa ra những quan điểm đáng chú ý về tín dụng bất động sản.
- 11-02-2023Vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh dù NHNN hút ròng hơn 142.000 tỷ?
- 11-02-2023Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục tháo gỡ khó khăn tín dụng bất động sản
- 09-02-2023Chờ đợi chính sách của NHNN sau Hội nghị "nóng" với 20 doanh nghiệp bất động sản
NHNN hút ròng hơn 142.400 tỷ đồng
Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp phát hành lượng lớn tín phiếu 7 ngày với tổng giá trị đạt gần 85.000 tỷ đồng. Trong khi chỉ có 15.000 tỷ tín phiếu đáo hạn. Tính chung, cơ quan quản lý tiền tệ đã rút ra khỏi hệ thống gần 70.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, NHNN vẫn tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho một vài ngân hàng có nhu cầu trong 4 phiên đầu tuần, song tổng quy mô đã giảm về còn hơn 8.406 tỷ so với mức hàng chục nghìn tỷ trong những tuần trước.
Đáng chú ý, đến phiên giao dịch cuối tuần qua 10/2, NHNN không còn phải hỗ trợ thanh khoản cho bất kỳ thành viên nào. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua không có ngân hàng nào vay nóng NHNN để bù đắp thanh khoản ngắn hạn.
Ở chiều ngược lại, có gần 80.819 tỷ đồng các khoản vay OMO đáo hạn trong tuần qua, tương ứng với số tiền các thành viên thị trường trả lại Nhà điều hành. Như vậy, tổng lượng tiền được rút ra khỏi hệ thống qua kênh OMO trong tuần qua là gần 72.413 tỷ đồng.
Tổng cộng trên cả hai kênh tín phiếu và OMO, NHNN đã hút ròng gần 142.413 tỷ đồng trong tuần qua - mức hút ròng cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
Bất chấp hoạt động hút ròng thanh khoản mạnh của NHNN, lãi suất liên ngân hàng lại giảm trong tuần qua.
Theo số liệu mới nhất vừa được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm hơn 95% khối lượng giao dịch) đã giảm về mức 5,49% vào ngày 9/2, từ mức 5,72% trong phiên trước đó và 6,21% ghi nhận vào cuối tuần trước. Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng cũng đồng loạt giảm 0,26 – 1,12 điểm % so với cuối tuần trước.
Hội nghị tín dụng bất động sản: Ông lớn BĐS đưa ra loạt đề xuất, Ngân hàng Nhà nước đáp lời
Sáng ngày 8/2, tại trụ sở NHNN đã diễn ra Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản lớn đã đưa ra một loạt các kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường như: Giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro, cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị, mở room tín dụng riêng cho BĐS, hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, có cơ chế riêng về tín dụng BĐS du lịch (condotel), miễn giảm lãi, điều kiện vay vốn, sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay, nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỷ năm 2013,…
Hồi đáp các ý kiến, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản. NHNN chỉ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như phân khúc có tỷ lệ đầu cơ lớn,… để đảm bảo an toàn hệ thống. Đến nay NHNN vẫn nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy. Còn đối với tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, thị trường BĐS gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có vướng mắc về tín dụng. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần rất nhiều chính sách khác nhau, trong đó có chính sách tín dụng. Thống đốc hy vọng Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng trong tháng 2 này sẽ có những quyết sách cụ thể.
Thống đốc NHNN cũng có một số điều nhắn nhủ với các doanh nghiệp BĐS.
Thứ nhất, các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung. Nếu vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Do đó, khi nền kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính tiền tệ có rủi ro bất ổn định, chắc chắn các cơ quan điều hành sẽ phải áp dụng các chính sách kinh tế để ổn định vĩ mô. Đôi khi những chính sách này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đó là sự đánh đổi. Do đó, các doanh nghiệp phải theo dõi diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới, các chính sách của Chính phủ để chủ động việc đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, Thống đốc NHNN bày bỏ mong muốn, trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều cần chú trọng trong việc quản trị dòng tiền của mình. Có những doanh nghiệp có rất nhiều dự án và tài sản giá trị lớn, nhưng khi cần tiền ngay lại khó vì bán một dự án không phải dễ, việc này phụ thuộc vào người mua, vào thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính,…
Thứ ba, bản thân các doanh nghiệp cần phải có giải pháp cơ cấu và quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Thứ tư, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Nếu doanh nghiệp cứ phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt sẽ gặp khó khăn.
Thứ năm, Thống đốc mong rằng bản thân các doanh nghiệp tích cực phát triển những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Về phía hệ thống ngân hàng cũng sẽ có giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này.
Ngân hàng lớn thống nhất giảm lãi suất huy động
Cũng tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Còn theo nguồn tin của chúng tôi, ngay từ hôm qua (7/2), một số ngân hàng lớn trong nhóm Big4 đã rục rịch triển khai đến các chi nhánh về việc giảm lãi suất huy động dân cư, các chi nhánh căn cứ theo chỉ đạo này để cân đối, huy động vốn đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất tối đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Một loạt cổ phiếu ngân hàng giảm sâu
Sắc đỏ chiếm áp đảo trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua khi có tới 21/27 mã giảm giá. Trong đó đã có 4 mã giảm tới gần 10%.
Cụ thể, tuần qua, VIB là cổ phiếu giảm mạnh nhất (- 9,7%). Đứng kế sau lần lượt là EIB (-9,3%), STB (-9,2%), PGB (-8,7%), OCB (-6,7%), ABB (-5,4%).
Ở chiều ngược lại, MSB là mã có diễn biến tích cực nhất tuần khi tăng 3,3%, chủ yếu nhờ phiên tăng mạnh gần 6% vào phiên đầu tuần. Ngoài ra, 5 mã còn lại chỉ tăng nhẹ dưới 2%.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần này giảm nhẹ so với tuần trước với hơn 751 triệu cp được giao dịch, tương đương với giá trị là 16.126 tỷ đồng. Trong đó, STB dẫn đầu về thanh khoản với tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận ở mức 125,8 triệu đơn vị, bỏ xa những cổ phiếu ngân hàng đứng kế sau là VPB (90,7 triệu cp), SHB (82,4 triệu cp), EIB (62,6 triệu cp),…
Sacombank kín room ngoại
Tuần qua tiếp tục chứng kiến sự mua ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài ở cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank.
Đến hết phiên 9/2, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 564 triệu cổ phiếu STB, gần 30% vốn cổ phần ngân hàng - tỷ lệ sở hữu tối đa cho phép.
Như vậy, STB đã gia nhập vào nhóm những cổ phiếu ngân hàng được lấp đầy room ngoại 30% như ACB, TPB, MSB.
Nhịp sống Thị trường