Ngân hàng tuần qua: Nóng ''chuyện'' tín dụng, 2 nhà băng hé lộ kế hoạch chia cổ tức tiền mặt năm 2024
Tâm điểm chú ý tuần qua là việc NHNN phân bổ lại room tín dụng, các ngân hàng lớn nhất hệ thống tiếp tục giảm lãi suất huy động, cổ tức tiền mặt và quy định mới về việc phải báo cáo các giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên,...
Ngân hàng Nhà nước phân bổ lại room tín dụng
Ngân hàng Nhà nước tuần qua đã thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", NHNN cho hay.
Trước đó, tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ toàn bộ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm; mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm.
"Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng; đồng thời, NHNN tiếp tục điều hành để tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu đã xác định song vẫn đảm bảo dư địa tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế và an toàn hệ thống TCTD", NHNN cho hay.
Khơi thông "mạch máu" tín dụng: Ngân hàng than "một tay vỗ không nên tiếng"
Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước và đại diện các ngân hàng thương mại về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng: TPBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank,… cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.
Từ nay tới cuối năm, các ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, rà soát lại các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.
Các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
"Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì "ai cũng thích cho vay", không cho vay được là "thất nghiệp". Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là bài toán khó", đại điện một ngân hàng cho biết.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại "tranh nhau để cho vay", nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.
Cho rằng để giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, giống như việc "không thể vỗ tay bằng một bàn tay", các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư,… qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng.
Big4 tiếp tục giảm lãi suất huy động
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa cập nhật biểu lãi suất huy động mới từ ngày 29/11/2023. Lần điều chỉnh này, Vietcombank tiếp tục giảm 0,2 điểm % lãi suất ở hầu hết kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 2 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,7%/năm.
Tương tự, lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm 0,2 điểm % xuống 3,7%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm % so với trước đó.
Đây là lần giảm lãi suất huy động lần thứ 5 của Vietcombank trong hơn trong hơn 2 tháng qua: ngày 14/9 – 3/10 – 20/10 – 10/11 – 29/11. Mức giảm tổng cộng là khoảng 1,2%/năm.
Cùng với Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cũng vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trực tuyến tại nhiều kỳ hạn.
Hiện, Vietcombank đang có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống và thấp hơn đáng kể so với nhóm Big 4. Tại hình thức gửi tiền tại quầy, BIDV, VietinBank và Agribank đều đang áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,3%/năm trong khi Vietcombank là 4,8%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất của 3 ngân hàng này cũng cao hơn Vietcombank khoảng 0,5-0,6 điểm %.
Không chỉ nhóm Ngân hàng Quốc doanh mà hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng đã đưa lãi suất huy động cao nhất về quanh mốc 5%/năm. Chẳng hạn tại ACB, mức lãi suất huy động tối đa mà ngân hàng này áp dụng là 4,9%/năm, còn thấp hơn cả một số ngân hàng trong nhóm Big 4. Hay tại VPBank, khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng chỉ có lãi suất cao nhất là 5,4%/năm. Hay mới nhất, Techcombank đã giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 5,2%.
VIB và Techcombank hé lộ kế hoạch chia cổ tức bằng tiền
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) vừa ra thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền.
Cụ thể, ngày 12/12/2023 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản. Ngân hàng dự kiến thực hiện tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ là 6%. Số tiền chia cổ tức ước tính là hơn 1.500 tỷ đồng.
Chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, 10 năm trước, ngân hàng quyết định không trả cổ tức để giữ lại nguồn vốn phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Đến hiện tại, vị thế và năng lực của Techcombank đã rất khác, lớn mạnh hơn nhiều so với 10 năm trước.
"Techcombank đang xây dựng cơ chế và chính sách dài hạn liên quan đến chia cổ tức cho cổ đông do ngân hàng hiện đã có khả năng vừa trả cổ tức, vừa đảm bảo tái đầu tư ổn định kinh doanh, tiếp tục tăng trưởng. Ngân hàng đang cân nhắc các lựa chọn và sẽ trình Hội đồng Quản trị phê duyệt", ông Lottner tiết lộ.
Techcombank đã không chia cổ tức bằng tiền mặt trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2023 hồi tháng 4/2023, Chủ tịch Techcombank đã đề cập đến việc "có thể sẽ có thay đổi".
"Tôi nhớ năm 2013, cũng tại ĐHCĐ, tôi đã nói Ngân hàng trong 10 năm tới sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Năm nay đã là năm thứ 10 và tôi cho rằng đây sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Mọi việc đều có thể xảy ra nhưng Ngân hàng sẽ luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông, đồng thời, cũng phải đảm bảo hoạt động của ngân hàng", Chủ tịch Techcombank nói.
Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11/2023/QĐ-TTg quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, từ ngày 01/12/2023, các giao dịch có giá trị từ 400 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.
Đối tượng báo cáo là tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, bao gồm:
Tổ chức tài chính được cấp giấy phép thực hiện một hoặc một số hoạt động: Nhận tiền gửi; cho vay; cho thuê tài chính; dịch vụ thanh toán; dịch vụ trung gian thanh toán; phát hành công cụ chuyển nhượng, thẻ ngân hàng, lệnh chuyển tiền; bảo lãnh ngân hàng, cam kết tài chính;
Cung ứng dịch vụ ngoại hối, các công cụ tiền tệ trên thị trường tiền tệ; môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; đổi tiền.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật thực hiện một hoặc một số hoạt động: Kinh doanh trò chơi có thưởng, bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; casino; xổ số; đặt cược;
Kinh doanh bất động sản , trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản; kinh doanh kim khí quý, đá quý; kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba; cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý.,