MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá lên cao nhất lịch sử, nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động vượt 8,5%/năm

16-10-2022 - 09:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng tuần qua: Tỷ giá lên cao nhất lịch sử, nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động vượt 8,5%/năm

Tuần qua cũng ghi nhận hoạt động bơm thanh khoản lớn của Ngân hàng Nhà nước với tổng khối lượng đưa vào hệ thống vào khoảng 90.000 tỷ đồng.

USD tự do vượt mốc 24.500 đồng

Sau khi chững lại trong thời gian ngắn, giá USD đã bật tăng trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do. Tính chung trong tuần qua, các ngân hàng đều nâng giá USD thêm khoảng 200 – 220 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với cuối tuần trước, tương đương tăng khoảng 0,9%.

So với cuối tháng 9, tỷ giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 220 - 250 đồng, tương đương tăng 0,9-1%. Và từ đầu năm đến nay, giá USD đã tăng khoảng 1.300-1.350 đồng, tức tăng tới 5,7-5,8%/năm.

Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 24.420 - 24.520 đồng/USD, giá mua và giá bán đều tăng mạnh so với phiên hôm qua.

Như vậy, cả giá USD ngân hàng và chợ đen hiện đều đã xác lập mức cao nhất lịch sử.

Nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên trên 8,5%/năm

Cuộc đua lãi suất huy động vẫn chưa hạ nhiệt khi nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lên các mức cao mới trong những ngày gần đây.

Mức lãi suất huy động trên 8,5% được ghi nhận tại SCB, ABBank, Kienlongbank, SeABank. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đang huy động tiền gửi với lãi suất cao trên 8%.

Một số ngân hàng khác cũng đang huy động tiền gửi với lãi suất cao trên 8% như Viet Capital Bank, NamABank, VPBank, Kienlongbank, ...

Theo chuyên gia, xu hướng tăng của lãi suất huy động vẫn còn tiếp diễn, và mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 1,5-2% trong cả năm 2022.

Kiểm soát đặc biệt SCB

Để ổn định hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định kiểm soát đặc biệt nhà băng này.

Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn.

Ngân hàng Nhà nước bơm mạnh thanh khoản cho hệ thống

Trong tuần qua, NHNN liên tiếp bơm lượng tiền khá lớn hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống; lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt đi rõ rệt.

Tuần qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam trải qua những tác động bất lợi nhất định từ dư luận ảnh hưởng đến tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Tuy nhiên, SCB dần ổn định trở lại; cùng với hoạt động bơm ròng của NHNN giúp thanh khoản hệ thống ổn định trở lại; lãi suất VND giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng.

Tính chung tổng cân đối liên quan đến hoạt động bơm - hút tiền ngắn hạn của NHNN qua hai kênh chính yếu trên (qua OMO và phát hành tín phiếu), đến thời điểm này đã có khoảng 90.000 tỷ đồng nguồn tiền đang hỗ trợ cân đối nguồn hệ thống. Quy mô này là lượng NHNN đang cho vay ròng để cân đối nguồn hệ thống, các NHTM sẽ lần lượt phải trả lại Nhà điều hành thời gian ngắn sắp tới.

Tiền gửi ngân hàng giảm trong tháng 7

Theo số liệu vừa công bố tuần này của NHNN, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 7/2022 đạt hơn 11,39 triệu tỷ đồng, giảm gần 74 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 6.

Nguyên nhân do nhóm khách hàng doanh nghiệp khi ghi nhận tiền gửi giảm hơn 83,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 xuống mức 5,76 triệu tỷ đồng.

Huy động vốn từ dân cư vẫn có tăng trưởng nhưng tốc độ chậm lại đáng kể. Người dân chỉ gửi ròng vào hệ thống ngân hàng hơn 9,6 nghìn tỷ đồng, nâng tổng tiền gửi lên hơn 5,6 triệu tỷ đồng. Mức tăng trong tháng 7 thấp hơn nhiều các tháng trước đó: tháng 6 (hơn 50 nghìn tỷ), tháng 5 (gần 37 nghìn tỷ), tháng 4 (hơn 57 nghìn tỷ),…

Tính chung trong 7 tháng đầu năm, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 4,09%. Tốc độ này chậm hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng (9,55%). Cuối tháng 7, tổng dư nợ của nền kinh tế đã lên hơn 11,44 triệu tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng lãi lớn sau 9 tháng đầu năm

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ (+35%) và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

VIB cũng thông báo lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 2.780 tỷ đồng. Hết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.

Tại Sacombank, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đã đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.

Quang Hưng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên