Ngân hàng UOB góp phần thúc đẩy nguồn vốn FDI chất lượng vào Việt Nam
Với việc gia hạn Biên bản ghi nhớ hợp tác lần này, UOB kỳ vọng sẽ tạo thêm nguồn vốn FDI vào Việt Nam, tập trung vào công nghệ, số hóa, tính bền vững, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn và dịch vụ tài chính.
Ngày 7/7, Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore lần thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 700 lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ cấp cao và nhà ngoại giao từ hơn 420 công ty và tổ chức của 32 quốc gia và nền kinh tế.
Với chủ đề "Tăng cường hợp tác khu vực để tăng trưởng bền vững", diễn đàn đặt mục tiêu mở rộng mối quan hệ kinh tế và tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Singapore và Việt Nam. Tổng cộng 12 biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa các tổ chức công và tư của 2 nước.
Là ngân hàng Singapore có mặt tại Việt Nam vào năm 1993, UOB đã hoạt động rất hiệu quả trong vai trò cầu nối giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn, UOB đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng với Cục Đầu tư nước ngoài (FIA).
Với biên bản ghi nhớ mở rộng được ký kết lần này, ngoài các nội dung hợp tác đã được xây dựng trước đó, hai bên còn cam kết thực hiện các nội dung mở rộng hơn như: Kết nối doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đang là khách hàng và đối tác của UOB cũng như thúc đẩy nguồn vốn FDI có chất lượng cao vào Việt Nam, chú trọng các lĩnh vực công nghệ cao, số hóa, tăng trưởng xanh, các lĩnh vực bền vững, năng lượng mới, chất bán dẫn, tài chính, v.v. từ đó góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong tương lai.
Trao biên bản ghi nhớ giữa ngân hàng UOB và Cục Đầu tư nước ngoài (FIA).
Phát biểu tại sự kiện, ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn UOB cho biết: "Chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam được 30 năm, trải qua nhiều chu kỳ của thị trường và chúng tôi cam kết sẽ ở đây lâu dài. Với mạng lưới rộng khắp của chúng tôi ở Asean, UOB có lợi thế để kết nối các công ty toàn cầu với khu vực đang phát triển nhanh chóng này".
"Với việc gia hạn Biên bản ghi nhớ hợp tác lần này, chúng tôi sẽ thúc đẩy các nguồn vốn FDI có chất lượng vào Việt Nam, tập trung vào công nghệ, số hóa, tính bền vững, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn và dịch vụ tài chính", ông Wee nói.
Ông Wee Ee Cheong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn UOB, phát biểu tại Diễn đàn.
Năm nay cũng là kỷ niệm 10 năm UOB thành lập trung tâm tư vấn FDI tại Việt Nam. Phục vụ lượng lớn khách hàng là các doanh nghiệp FDI, UOB hỗ trợ họ bằng cách thành lập các trung tâm Tư vấn FDI chuyên trách để thúc đẩy dòng vốn đầu tư và hoạt động thương mại trong khu vực. Nhận thấy châu Á là điểm đến rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, UOB hiện đang vận hành 10 trung tâm FDI chuyên trách trên khắp châu Á.
Kể từ khi ký Biên bản ghi nhớ với FIA vào năm 2015, trung tâm tư vấn FDI tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 250 công ty mở rộng hoạt động sang Việt Nam, từ đó góp phần tạo ra hơn 30.000 cơ hội việc làm và thúc đẩy dòng vốn đầu tư trị giá hơn 5,8 tỷ đô la Singapore vào Việt Nam.
Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện, ông Sam Cheong, Giám đốc Khối Tư vấn Đầu tư nước ngoài và Kết nối đối tác, Tập đoàn UOB, cho biết: "Đơn vị tư vấn FDI của UOB hợp tác với nhiều bộ ban ngành và hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam. Điều này tạo nên rất nhiều khác biệt bởi UOB hiểu rõ nhu cầu vốn FDI của Việt Nam. Qua thời gian, sự thấu hiểu đó giúp UOB trở thành cầu nối thu hút dòng vốn FDI vào đúng những lĩnh vực mà Chính phủ đang muốn tập trung phát triển. Sau 10 năm, mô hình đã tỏ ra rất hiệu quả và UOB sẽ tiếp tục phát triển mô hình này để thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam".
Ông Sam Cheong, Giám đốc Khối Tư vấn Đầu tư nước ngoài và Kết nối đối tác, Tập đoàn UOB.
Ông bổ sung thêm rằng biên bản ghi nhớ sẽ đặt những nền móng để hai bên có thể làm việc, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn, trong đó điều quan trọng nhất là UOB sẽ đáp ứng được các nhu cầu của Chính phủ về những ngành mà Việt Nam muốn phát triển. Trong giai đoạn sắp tới, đó là các lĩnh vực có giá trị thặng dư cao như công nghệ kỹ thuật số, nền kinh tế xanh, chip bán dẫn…
Với mạng lưới rộng lớn bao phủ khắp Đông Nam Á, ngoài việc hỗ trợ tăng cường vốn FDI vào Việt Nam, UOB còn hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động, kết nối với khu vực và tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tổ Quốc