Ngân hàng và lát cắt lợi nhuận
Đến thời điểm này đã có khoảng 12 ngân hàng cổ phần tư nhân công bố báo cáo tài chính quý III/2021, còn về phía ngân hang cổ phần có vốn nhà nước vẫn còn im ắng.
Hy sinh lợi nhuận hỗ trợ khách hàng
TPBank là ngân hàng tư nhân đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 với 4.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 45% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, ABB lãi trước thuế đạt 1.556 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2020 và thực hiện 79% kế hoạch năm. Với SeABank, ngân hàng lãi trước thuế 974 tỷ đồng trong quý III. Lũy kế 9 tháng, lãi trước thuế đạt 2.530 tỷ đồng. LienVietPostBank ghi nhận lãi trước thuế quý III đạt gần 766 tỷ đồng. Dù lợi nhuận trước thuế quý III của LienVietPostBank tăng chậm lại nhưng nhờ 2 quý đầu năm đã tăng mạnh nên lợi nhuận lũy kế 9 tháng vẫn ghi nhận ở mức tốt.
Nhìn chung lợi nhuận của đa phần ngân hàng 9 tháng đầu năm nay đều khả quan. Việc kết quả kinh doanh trong quý III của các ngân hàng có phần chững lại đã nằm trong dự báo của thị trường. Vì hoạt động ngân hàng cũng gắn liền với bối cảnh chung của nền kinh tế. Giai đoạn quý III/2021 là thời điểm các hoạt động kinh doanh bị chững lại do giãn cách xã hội. Nhiều chi nhánh các ngân hàng tại Hà Nội, TP HCM đã tạm dừng hoạt động, số khác chỉ hoạt động với 50% nhân viên khi thực hiện "3 tại chỗ" phần lớn thời gian quý III.
Các chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cũng ước tính, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý III/2021 có thể giảm 19% so với quý 2, do tăng trưởng cho vay thấp, chi phí dự phòng dự kiến tăng 20%, đặc biệt tại các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp. Trong khi đó, biên lãi ròng (NIM) giảm do các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thực tế, không chỉ các NHTM Nhà nước, những ngân hàng trong khối cổ phần cũng chủ động cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Theo đó, các ngân hàng như LienVietPostBank, Sacombank, MB… cam kết sẽ cắt giảm hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận để triển khai các gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi và giãn nợ.
Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Huỳnh Ngọc Huy cho biết, đối với các khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn tại LienVietPostBank chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid trong thời gian vừa qua, ngân hàng có chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất cả các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện tại.
Thực tế, trong bối cảnh đại dịch, không chỉ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, mà các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía nhưng vẫn gồng mình để hỗ trợ DN như nguy cơ gia tăng nợ xấu, tăng trích lập dự phòng. Điều này lý giải vì sao lợi nhuận của các ngân hàng bị giảm so với quý trước.
Tìm động lực tăng trưởng cho cổ phiếu
Cũng để tránh cú sốc nợ xấu trong những năm tới, thời gian qua, các ngân hàng đang gia cố bộ đệm dự phòng qua việc tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao. Chẳng hạn như ngân hàng cỡ lớn như Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hơn 300%, kế đến là Techcombank, MB ở mức hơn 200%. Những ngân hàng cỡ vừa như LienVietPostBank cũng tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên gần 100%...
Ông Trần Tánh – Phó Phòng phân tích và nghiên cứu CTCK Yuanta Việt Nam nhận định, những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ cao sẽ an toàn hơn vì họ có nguồn lực sẵn sàng để ứng phó trong trường hợp nợ xấu tăng mạnh. Và những ngân hàng đó sẽ tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tới.
"Tất nhiên về dài hạn, ngân hàng không cần dự phòng rủi ro quá cao, nhưng thời điểm này, sự thận trọng trên là cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn tới đây khi mà nợ xấu vẫn chưa phản ánh đúng thực chất do hỗ trợ cơ chế từ Thông tư 14. Trong giai đoạn khó khăn như vậy, chất lượng, sự an toàn hoạt động phải được đặt lên hàng đầu", ông Tánh chia sẻ quan điểm và lưu ý những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ được các NĐT lựa chọn đầu tư cổ phiếu.
Mặc dù kết quả kinh doanh của ngân hàng trong quý III không quá sáng, nhưng so với nhiều ngành nghề khác cũng vẫn khá tích cực. Những tin xấu cũng đã phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng và đang được đánh giá ở mức khá hợp lý.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS đánh giá, cổ phiếu ngân hàng sẽ không có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái song nhìn chung sẽ diễn biến tích cực. "Chi phí vốn rẻ, lãi suất cho vay được được kỳ vọng duy trì như trong quý II/2021, nợ xấu dù tăng nhẹ nhưng các ngân hàng đã chủ động tăng mạnh trích lập dự phòng từ đầu năm, chất lượng tài sản vẫn được đảm bảo… giúp cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng bền vững trong dài hạn", ông Sơn nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia chứng khoán lưu ý nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu ngân hàng có mức định giá rẻ, nhưng chất lượng tài sản tốt, hoặc có câu chuyện riêng... để cân nhắc đầu tư tại thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như OCB có thể bán tiếp cổ phần cho Azora Bank; hay như cổ phiếu LPB của LienVietPostBank đang trong giai đoạn đàm phán cuối với đối tác nước ngoài.
Trong báo cáo mới đây, CTCK Bản Việt (VCSC) cũng đưa ra giả định rằng LienVietPostBank sẽ chào bán thành công 66,7 triệu cổ phiếu với giá 25.000 đồng/cp cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, kỳ vọng ngân hàng sẽ ký hợp đồng bancassurance độc quyền mới vào đầu năm 2022 sau khi hợp đồng 5 năm với Dai-ichi Life đáo hạn với mức phí ứng trước sẽ tương đương với một số giao dịch thành công trên thị trường gần đây. Trong khi giá cổ phiếu LPB đang dao động quanh mốc 21.000 đồng/cp. So với giá đỉnh của cổ phiếu 33.400 đồng/cp hồi tháng 6 cũng như giá giả định bán cho NĐT nước ngoài thì mức giá hiện tại của cổ phiếu LPB được đánh giá là khá hấp dẫn. Tương tự cổ phiếu OCB cũng đang được kỳ vọng ở mức giá 30.000-32.000 đồng/cp trong quý IV này.
Theo giới chuyên môn, những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại. Và ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.