MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt đua nhau tìm vốn ngoại

11-09-2018 - 16:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Tìm đến các khoản vay dài hạn từ các định chế tài chính lớn trên thế giới đang là một giải pháp được nhiều ngân hàng ưa chuộng trong thời gian gần đây.

Mới đây, nguồn tin từ tờ Deal Street Asia cho biết IFC đang xem xét cấp khoản vay lên đến 100 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Gói tài trợ nhằm giúp ngân hàng này mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vừa tuần trước, một ngân hàng khác là SHB cũng đã nhận được 2 khoản vay từ 2 định chế tài chính lớn ở nước ngoài. Nhà băng này đồng thời nhận được 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm từ IIB (Ngân hàng Đầu tư Quốc tế - Nga) và 20 triệu EUR theo hợp đồng tín dụng khung với IBEC (Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế - Nga). 

SHB cho biết, thỏa thuận vay vốn với IIB sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, dự án liên quan đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lượng xanh,…Trong khi đó, nguồn vốn từ IBEC được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC, hoạt động ngoại hối, huy động vốn, … 

Hồi tháng 8, LienVietPostBank cũng đã nhận khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase, kỳ hạn 3 năm. Khoản vay này nhằm giúp LienVietPostBank bổ sung nguồn ngoại tệ trung dài hạn, cải thiện cơ cấu huy động và đáp ứng một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, tìm nguồn vốn tài trợ từ các định chế tài chính nước ngoài đang là xu hướng khá phổ biến của các ngân hàng Việt trong vài năm trở lại đây. Ngoài 3 ngân hàng kể trên, hồi đầu năm, IFC cũng cung cấp một khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho TPBank nhằm giúp ngân hàng này mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân.

Năm 2017, nhiều ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn dài hạn thông qua cách này. Chẳng hạn VPBank vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho FE Credit, nhận 122 triệu USD từ IFC, 41 triệu USD từ Credit Suisse. Hay ABBank nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC cuối năm 2017. 

Bài toán vốn dài hạn đang là một vấn đề chung của nhiều ngân hàng khi theo quy định, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn rút về còn 45% trong năm nay và xuống còn 40% từ 2019. Lãi suất huy động các kỳ hạn dài đã bất ngờ tăng khá mạnh từ 2 tháng gần đây cho thấy nhu cầu ngày càng cao của các nhà băng. Họ còn tích cực tìm đến các cách khác như 2 "ông lớn" BIDV và VietinBank liên tục phát hành trái phiếu còn HDBank, VIB,… thì phát hành chứng chỉ tiền gửi. 

Trong bối cảnh đó, vay định chế tài chính nước ngoài được xem là một trong những giải pháp có nhiều ưu điểm nhằm cân đối nguồn vốn cho vay trung dài hạn. Các khoản tài trợ này không chỉ giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn dài hạn nhanh chóng mà còn có thể gia tăng lợi nhuận đáng kể, khi mà NHNN vẫn tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu trước mắt đến hết năm 2018 và huy động ngoại tệ hiện không dễ dàng với lãi suất 0% theo quy định của NHNN. 

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên