MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt mỏi mòn đợi Visa và Mastercard hồi âm về giảm phí dịch vụ

31-08-2020 - 16:39 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia, khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
306 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Thời gian qua, Hiệp hội ngân hàng đã thay mặt các ngân hàng Việt Nam gửi công văn tới các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và Mastercard đề nghị miễn, giảm một số loại phí giao dịch thẻ để chia sẻ khó khăn với các ngân hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng đến nay các tổ chức thẻ quốc tế vẫn chưa đưa ra các giải pháp.

"Qua phản ảnh từ các tổ chức hội viên, được biết các tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đang áp dụng cơ chế thu phí khá phức tạp, thu nhiều loại phí đối với giao dịch thẻ và mức thu phí là rất cao so với mặt bằng phí trong nước, nhất là nếu so với mức thu phí chuyển mạch thẻ nội địa" - ông Nguyễn Toàn Thắng, chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng cho biết.

Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, các ngân hàng Việt Nam đã tự nguyện giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng rất lớn, đến nay khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua liên ngân hàng 24/7 qua Napas được miễn hoặc giảm phí với tổng số tiền phí TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2020, số thu phí dịch vụ thanh toán của NHNN giảm khoảng 285 tỷ đồng để hỗ trợ TCTD tiếp tục giảm phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp.

Việc giảm phí nói trên khiến cho các ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề về hiệu quả kinh doanh. Trước tình hình trên, vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi tới hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard kiến nghị miễn, giảm các loại phí cho các ngân hàng Việt Nam.

Giải pháp được Hiệp hội đề nghị là: Visa và Mastercard xem xét giảm chính sách phí đối với thị trường Việt Nam; đồng thời, đơn giản hóa cơ chế thu phí để chia sẻ với khó khăn của hệ thống các ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, sau khi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có công văn đề nghị, hai tổ chức thẻ quốc tế Visa và Mastercard đã tiếp xúc, có ý kiến trả lời với Hiệp hội. Qua đó, hai tổ chức thẻ quốc tế đều bày tỏ thiện chí với các đề nghị từ phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hứa xem xét để giải quyết thỏa đáng. Đồng thời, Visa và Mastercard cũng giải thích về chính sách phí toàn cầu  của mình. Song đến nay đã qua hơn 4 tháng, Hiệp hội và các ngân hàng vẫn phải tiếp tục chờ đợi và yêu cầu có những giải pháp thiết thực từ Visa và Mastercard để chia sẻ với các ngân hàng Việt Nam.  

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, kiến nghị của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế là Visa và MasterCard miễn, giảm phí là đúng và trúng. Bởi lẽ, ngành ngân hàng cũng đang phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Dẫu vậy, toàn ngành vẫn đang quyết liệt thực hiện các giải pháp, trong đó có miễn giảm phí (tin nhắn, chuyển tiền...) để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức thẻ Visa và MasterCard cần phải có những chia sẻ khó khăn thông qua miễn, giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam, theo như đề nghị từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

"Khi các ngân hàng Việt Nam đã thực hiện miễn, giảm phí, thì không có lý gì mà Visa và MasterCard không miễn, giảm phí để hỗ trợ các khách hàng tại Việt Nam" - ông Hiếu nói.

Để hiệu quả hơn, vị chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không chỉ Hiệp Hội Ngân hàng, hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mà các cơ quan bộ, ngành như Bộ Tài chính cần phải vào cuộc và lên tiếng mạnh mẽ để yêu cầu các tổ chức thẻ quốc tế như Visa và MasterCard thực hiện miễn, giảm phí cho các ngân hàng Việt Nam. Từ đó, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Hằng Kim

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên