Ngân hàng Việt nằm chót bảng CPTPP
Dù liên tục có mức tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng thị trường tài chính NH Việt Nam theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Globe Competitiveness Report) công bố hàng năm, luôn ở mức thấp.
Xếp thứ 112/137 quốc gia
Theo số liệu từ NHNN, tính đến 30-6-2018, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) có vốn điều lệ ước đạt 510.010 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ước đạt 720.430 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 10,42 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 6,67 triệu tỷ đồng. Cùng thời điểm, tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD Việt Nam đạt 12,27%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản 18,8%.
Theo NHNN về cơ bản các TCTD đáp ứng các yêu cầu tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động NH theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, báo cáo WEF cho thấy mức độ tiếp cận tín dụng và sự lành mạnh của sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam nằm ở mức độ thấp so với các quốc gia khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, độ lành mạnh của NH Việt Nam đứng thứ 112/137 quốc gia, quản lý thị trường chứng khoán xếp thứ 89.
Hiệp định CPTPP sẽ tạo thuận lợi cho các TCTD Việt Nam. Tuy nhiên các NHTM Việt Nam cần giải quyết nhiều thách thức để cải thiện khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Ông NGHIÊM XUÂN THÀNH, Chủ tịch HĐQT Vietcombank
Về tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế và quy mô vốn cấp 1, hệ thống NH Việt Nam cũng ở mức độ thấp so thế giới. Theo The Banker, năm 2017, Việt Nam có 13 NH lọt vào top 1.000 NH lớn nhất trên thế giới, dẫn đầu là 4 NHTM có vốn nhà nước, trong đó Vietinbank (xếp thứ 331/top 1.000 NH) có quy mô vốn cấp 1 cao nhất cũng mới chỉ đạt 2,41 tỷ USD.
So sánh quy mô các NH trong 11 thành viên CPTPP, theo thống kê của tác giả Lê Thị Nguyệt và Vũ Thị Khánh Huyền (Trung tâm Nghiên cứu BIDV) có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các NH tại Singapore, Nhật Bản, Canada; nhóm 2 gồm Australia, New Zeland và Malaysia; nhóm 3 gồm NH các nước Mexico, Chile, và Peru. NH Việt Nam ở mức thấp hơn cả 3 nhóm trên. Moody đang xếp 2 NH hàng đầu của Việt Nam là BIDV và Vietinbank cùng nhóm với các NH Ấn Độ và Pakistan.
Yếu vốn, năng lực quản lý
Ngoài những vấn đề về năng lực tài chính, năng lực quản trị rủi ro, quy mô hoạt động, độ mở cửa của hệ thống… đã được nhiều chuyên gia đề cập đến, hiện nay hệ thống NH Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, việc thực hiện cơ cấu lại đối với các NHTM có vốn nhà nước gặp khó khăn về nguồn vốn, chưa tương xứng với tốc độ phát triển và quy mô hoạt động.
Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Trong khi đó, nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM hết sức hạn chế.
VietinBank có quy mô vốn cấp 1 cao nhất gần 2,5 tỷ USD, nhưng vẫn xếp nằm chót bảng so với 11 nước nằm trong khối CPTPP.
Thứ hai, nợ xấu tuy chỉ 2,09%, nhưng tổng nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được, và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu tuy đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Theo tính toán của nhóm tác giả Lê Thị Nguyệt và Vũ Thị Khánh Huyền, hệ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống TCTD Việt Nam cuối năm 2017 đạt khoảng 12,23% (các NHTM chỉ khoảng 10%). Nếu áp dụng theo Bassel II, hệ số CAR của các NHTM Việt Nam chỉ ở mức khoảng 7-8%, trong khi CAR của các nước thành viên CPTPP khác đều >10%.
Thứ ba, tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được xử lý và kiểm soát, nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ tư, nguồn nhân lực của hệ thống NH Việt Nam (tính chuyên nghiệp, trình độ ngoại ngữ-những yêu cầu tối thiểu khi tham gia CPTPP) còn rất hạn chế so với các nước thành viên khác.
Nói như ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, thực tế, ngành tài chính Việt Nam đang đối diện với tình trạng chảy máu chất xám trong quá trình cạnh tranh thu hút nhân tài trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sài Gòn Đầu tư