MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Việt vẫn đang mơ đến Basel II thì thế giới đã có Basel IV

15-12-2017 - 16:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Basel II đã được áp dụng trên thế giới được 13 năm kể từ năm 2004. Tại Việt Nam, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn ra 10 ngân hàng lớn để cho áp dụng thí điểm chuẩn nhưng cho đến nay, ngoài OCB chưa ngân hàng nào thành công áp dụng Basel II.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Áp dụng Basel II trong quản trị rủi ro của các Ngân hàng Thương mại Việt Nam: Cơ hội, thách thức và lộ trình thực hiện” được tổ chức tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân sáng 14/12, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn – Phó TGĐ LienVietPostBank cho biết, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn ra 10 ngân hàng lớn để cho áp dụng thí điểm chuẩn Basel II bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB, Maritime Bank và VIB. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có ngân hàng Phương Đông (không nằm trong danh sách 10 ngân hàng trên) công bố đã áp dụng thành công Basel II. 

Theo bà Sơn, các ngân hàng Việt Nam nếu làm việc với các định chế tài chính nước ngoài, đặc biệt liên quan đến các hạn mức như tài trợ thương mại thì việc có áp dụng Basel hay không là một yếu tổ chấm điểm để họ cấp hạn mức cho mình. 

“Thế giới thì ngày càng phẳng hơn nên không có lý do gì chúng ta chỉ hoạt động ở trong nước mà còn phải ra cả thế giới”, bà nói. 

Bên cạnh đó, bà Sơn cũng chia sẻ, thực hiện Basel là điều cần thiết và bắt buộc nếu muốn ngân hàng hoạt động lâu dài, phát triển bền vững, tuy nhiên các ngân hàng - đặc biệt các ngân hàng quy mô tầm trung - hiện đang gặp nhiều khó khăn. Lấy ví dụ LienVietPostBank có tổng tài sản tăng trung bình 30-35%/năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2016 là 30%, hiện nay là 21%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của cả ngành 18% (năm 2016). Với mức tăng trưởng nhanh như vậy thì áp lực về vốn và các áp lực khác khi tuân thủ theo Basel II là rất lớn. 

Bà Sơn nêu một số khó khăn mà các ngân hàng gặp phải áp dụng khai Basel II như: vấn đề con người, nguồn lực tài chính, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, áp lực xử lý các vấn đề nội tại - đặc biệt là nợ xấu…Trong đó, bà nhấn mạnh về khó khăn nguồn lực tài chính, các chi phí phát sinh khi triển khai Basel II là vấn đề rất quan trọng, khi áp dụng Basel sẽ lập tức ảnh hưởng tới giá vốn. 

Trước đây đối với một khoản vay, ví dụ như cho vay Bất động sản, theo quy định cũ thì tỷ lệ rủi ro là 100%, còn khi áp dụng Basel II lên đến 200%. Chi phí quản lý rủi ro an toàn vốn tăng dẫn tới ngân hàng phải có quyết định: hoặc là tăng lãi suất của người vay cuối cùng hoặc phải kiểm soát hoạt động chi phí đầu vào hiệu quả hơn. Nếu tăng lãi suất cho vay thì sẽ không cạnh tranh được với các ngân hàng khác và có thể để mất khách hàng. Do đó, phải kiểm soát để chi phí đầu vào giảm đi, bù đắp lại chi phí bỏ ra trong quá trình áp dụng Basel.

Bà Sơn cũng đã đưa ra một số khuyến nghị và đề xuất. Cụ thể với các TCTD phải tự ý thức, tính toán được kế hoạch kinh doanh dài hạn 3-5 năm để có kế hoạch tăng vốn, bổ sung vốn. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải dần chuẩn hóa dữ liệu, hoàn thiện sớm mô hình chấm điểm tín dụng nội bộ. Về phía cơ quan quản lý nên có các hướng dẫn và đào tạo sâu hơn cho các NHTMCP trong quá trình triển khai.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên