3 đại dự án yếu kém ngành công thương bất ngờ được ngân hàng xoá gần 3.400 tỷ lãi vay, giúp 1 tập đoàn nhà nước có 3 năm liên tiếp lãi khủng
Việc xóa lãi thực hiện trên các khoản vay liên quan đến 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai.
- 30-06-2024Lần đầu tiên có 1 DN Việt không phải ngân hàng có tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, nắm giữ hơn 300.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi
- 28-06-2024EVN lỗ hơn 1 tỷ USD trong năm 2023, mỗi ngày phải trả hơn 52 tỷ đồng tiền lãi vay
Hồi tháng 3/2024, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, năm 2023, dù gặp nhiều thách thức nhưng Tập đoàn vẫn đạt doanh thu cộng hợp hơn 57.000 tỷ, lợi nhuận xấp xỉ 3.500 tỷ, nộp ngân sách 1.700 tỷ.
Vinachem đã bảo đảm công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động, với thu nhập bình quân là 13,6 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Vinachem cũng cho biết, 3 đơn vị yếu kém thuộc danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai (DAP số 2 – Vinachem) vốn là 3 đơn vị âm vốn chủ sở hữu, thua lỗ nhiều năm nhưng đã ghi nhận 3 năm liền kinh doanh có lãi.
Theo đó, năm 2022, tổng lợi nhuận của 3 đơn vị này là 2.700 tỷ, năm 2023 đạt 1.300 tỷ và riêng 2 tháng đầu năm 2024, các đơn vị cũng hoạt động ổn định và có lãi.
Tuy nhiên đi vào chi tiết, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 công bố gần đây, con số 3.750 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vinachem chủ yếu là nhờ Ngân hàng Phát triển Việt Nam xóa nợ lãi cho 3 công ty con (3 công ty yếu kém nói trên).
Báo cáo cho biết, năm 2023, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 50.572 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm trong khi giá vốn lại tăng, Vinachem lãi gộp 5.898 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2022. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 22,89% xuống còn 11,66%.
Doanh thu tài chính cũng giảm tới 47,3% về 949 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2023, CTCP DAP số 2 - Vinachem đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Lào Cai xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả, giảm lãi suất các khoản vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng giá trị 1.127 tỷ đồng và ghi giảm trong khoản mục chi phí tài chính.
Nhờ đó, chi phí tài chính của Vinachem chỉ còn 887 tỷ đồng thay vì hơn 2.500 tỷ như năm trước.
Đồng thời, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh NHPT Khu vực Bắc Đông Bắc đã giảm 2.262 tỷ đồng lãi vay cho CTCP Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc (1.802 tỷ) cùng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (460 tỷ), ghi nhận vào thu nhập khác.
Nhờ đó, khoản lợi nhuận khác của Vinachem trong năm vừa rồi đạt 2.174 tỷ đồng, gấp 368 lần năm 2022 (chỉ gần 6 tỷ đồng).
Như vậy, tổng số lãi vay mà Ngân hàng xóa, giảm cho 3 công ty con của Vinachem là 3.388 tỷ đồng. Nếu không có khoản xóa lãi này, Vinachem chỉ lãi trước thuế chưa đầy 550 tỷ đồng.
Theo ý kiến của kiểm toán, đây là các khoản vay liên quan đến 3 dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai. Sau khi được xóa lãi vay, giảm lãi suất các khoản vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tài sản ngắn hạn của CTCP Phân Đạm và Hóa chất Hà Bắc đã đảm bảo thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn, vốn góp của Chủ sở hữu lớn hơn lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2023. Trong khi đó, CTCP DAP số 2 - Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế âm vốn chủ sở hữu.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vinachem ở mức 53.467 tỷ đồng, giảm 3.286 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tiền mặt và tiền gửi ngân hàng hơn 10.300 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 26.019 tỷ đồng, giảm 17% so với hồi đầu năm, trong đó, nợ vay là 12.881 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vinachem ở mức 27.448 tỷ đồng.