Ngân sách cho Tp.HCM: Ngược đời bội thu và bội chi
Vài ngày qua, xuất hiện những bàn cãi xung quanh tỷ lệ điều tiết thêm 5% số thu ngân sách cho thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) và cho rằng “tỷ lệ đó quá lớn”, “làm ít, hưởng nhiều”. Vậy, thực hư vấn đề này ra sao?
- 18-05-2021Phản ứng ra sao khi sự phục hồi kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19?
- 18-05-2021LG tại Hải Phòng đang gặp khó khăn gì?
- 18-05-2021Doanh nghiệp FDI tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu
Tp.HCM vừa kiến nghị tăng 5% tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương từ mức 18% như lâu nay lên 23%. Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ, có không ít người cho rằng, tỷ lệ 23% là quá cao bởi thành phố này đang được hưởng nhiều khoản thu khác, đáng lý không thuộc về mình.
THỰC HƯ VỀ CON SỐ 18%
Theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và Khoản 1 và 2 Điều 13 và Điều 15 Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước, nguồn thu ngân sách nhà nước tại bất cứ địa phương nào cũng có 3 nhóm: nhóm thu hộ cho trung ương (tạm gọi nhóm 1); nhóm thu bao nhiêu hưởng bấy nhiêu (nhóm 2) và nhóm thu rồi ăn chia với trung ương (nhóm 3).
Dựa vào các quy định trên, ở nhóm 1, Tp.HCM thu đồng nào, nộp đồng đó về cho trung ương. Ví dụ: doanh nghiệp A ở Hải Phòng nhập khẩu một lô máy móc qua Cửa khẩu Tân Sơn Nhất, số thuế phải nộp là 1 tỷ đồng thì 1 tỷ đó, Tp.HCM phải nộp cả về trung ương mà không được giữ lại một đồng nào.
Nhóm 2: thu đồng nào hưởng đồng đó, ví dụ các khoản thu lệ phí môn bài, trước bạ, tiền sử dụng đất…; năm 2019, tổng thu ngân sách Tp.HCM là 411.202 tỷ đồng thì nhóm 2 thu được 43.302 tỷ đồng (10,5%/tổng thu).
Nhóm 3: giữ lại 18%, trả về trung ương 82%. Nhóm này gồm 5 nhóm thuế: VAT, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt (không tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng nhập khẩu); thuế bảo vệ môi trường (không tính thuế bảo vệ môi trường từ hàng hoá nhập khẩu)…
Ví dụ: năm 2020, Tp.HCM thu được 103 nghìn tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp, phải nộp về trung ương 85 nghìn tỷ và giữ lại trên 18 nghìn tỷ.
Theo số liệu Tp.HCM công bố, người viết tính toán rằng: năm 2020, tổng thu ngân sách tại địa phương này là 411.202 tỷ đồng nhưng chỉ được giữ lại 77.952 tỷ đồng khoản thu nhóm 2 và 3, chiếm 19%.
Mới đây, Tp.HCM có đề xuất trung ương xin được giữ lại từ 23% - 33% ngân sách, ý là nói đến số thu nhóm 3 chứ không phải tổng thu ngân sách.
Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp Quốc hội mới đây, đã ban hành Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, xác định rõ tỷ lệ phần trăm được giữ lại của 63 tỉnh thành. Cụ thể, 16 địa phương có tỷ lệ điều tiết giữ lại là Tp.HCM (18%), Hà Nội (35%), Bình Dương (36%), Đồng Nai (47%), Vĩnh Phúc (53%), Bà Rịa-Vũng Tàu (64%), Quảng Ninh (65%), Đà Nẵng (68%), Khánh Hoà (72%), Hải Phòng (78%), Bắc Ninh (83%), Quảng Ngãi (88%), Quảng Nam (90%), Cần Thơ (91%), Hưng Yên (93%), Hải Dương (98%). Các tỉnh còn lại là 100%.
Tỷ lệ phần trăm được giữ lại của 63 tỉnh thành phố năm 2021
Một thực tế không thể phủ nhận, là tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tp.HCM luôn là “top đầu”, chiếm tới 25,48% tổng thu cả nước theo số liệu năm 2020, nhưng vẫn bội chi kéo dài.
Cụ thể, năm 2020, tổng thu ngân sách tại Tp.HCM là 371.384 tỷ đồng (do dịch bệnh nên thấp hơn 2019). Trong đó, thành phố được hưởng ngân sách theo phân cấp là 65.495 tỷ đồng. Con số thụ hưởng ở nhóm 3 (18%) chỉ tương đương 34.459 tỷ đồng. Ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương là 84.290 tỷ đồng. Vì thế, Trung ương luôn phải cấp thêm từ nguồn ngân sách Trung ương để bù đắp các khoản chi của thành phố.
Cân đối ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh qua các năm
Không chỉ năm 2020 Tp.HCM bội chi ngân sách, thực trạng này đã diễn ra từ khi bắt đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020. Trong đó, năm 2017, Tp.HCM bội chi 2.900 tỷ đồng; năm 2018 bội chi hơn 4.880 tỷ đồng; 2019 bội chi gần 3.560 tỷ đồng.
THIẾU VỐN, KHÓ DUY TRÌ VỊ TRÍ "ĐẦU TÀU"
Trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 1,14 tỷ USD, giảm gần 13% so cùng kỳ năm 2020. Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cũng đặt mục tiêu tham vọng trong năm nay phải thu hút 5,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao hơn năm ngoái 1 tỷ USD.
Không bỏ lỡ cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, cùng với những tín hiệu khả quan từ việc phục hồi của các doanh nghiệp sau hơn 1 năm bị tác động bởi dịch bệnh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM dự kiến nhu cầu nhân lực Tp.HCM năm 2021 cần khoảng 280.000-300.000 chỗ làm việc, trong đó có 140.000 chỗ làm việc mới. Qua khảo sát của Trung tâm, nhu cầu nhân lực của quý 1 năm 2021 cần 44.027 chỗ làm việc và 19.482 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Trong buổi làm việc gần đây với lãnh đạo Tp.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại 23%, giúp Tp.HCM phát triển, hoàn thành các chương trình đột phá đề ra.
Có thể thấy, Tp.HCM là “cái rốn” hút một lượng lớn dự án đầu tư trong và ngoài nước; kéo theo đó là nơi tập trung số lao động đông nhất so với các tỉnh thành khác.
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất của Tp.HCM trong thời gian qua là vốn. Hiện thành phố đang cần nguồn vốn lớn để thực hiện đô thị thông minh, dự án chống ngập, hạ tầng kết nối logistics… Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM cũng chỉ rõ, thành phố đang đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng.
Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của thành phố.
Trong buổi làm việc gần đây với lãnh đạo Tp.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại 23%, giúp Tp.HCM phát triển, hoàn thành các chương trình đột phá đề ra.
Thủ tướng khẳng định Tp.HCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP vào tổng ngân sách. Ngoài sự ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Tp.HCM giai đoạn 2022-2025, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thành phố đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Thành phố cần định hướng phát triển TP Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, chú trọng đổi mới kinh tế số để đảm bảo đóng góp 25% GDP như mục tiêu đề ra.
Trước đó, trong phần kiến nghị Thủ tướng về Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025, địa phương nhiều lần kiến nghị việc tăng tỷ lệ giữ lại theo hướng trong 10 năm 2020-2030 cần nâng từ 18% lên 33%, tương đương 15% nhằm đảm bảo đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, giữ vai trò đầu tàu cả nước. Trước đây, tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố có xu hướng giảm qua từng thời kỳ ổn định ngân sách. Cụ thể, tỷ lệ điều tiết của Tp.HCM giai đoạn 2011-2016 là 23% nhưng đến giai đoạn 2017-2020 là 18%.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ có Tp.HCM mới có thể xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mang tầm khu vực, mà để xây dựng một thị trường tài chính có quy mô khu vực, thì cần thiết phải có nhiều yếu tố hợp thành. Trong đó, yếu tố tài chính là then chốt. Chính vì vậy, việc đề xuất tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách là cần thiết.
"Tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Tp.HCM có xu hướng giảm xuống thời gian gần đây, dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu về đầu tư phát triển, an sinh xã hội và các mặt khác.
Tuy nhiên, Tp.HCM hàng năm có nguồn thu lớn, để lại ngân sách địa phương bao nhiêu phần trăm, phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét cụ thể về nhu cầu chung và riêng. Tất nhiên, những dự án phát triển hạ tầng, nhà nước vẫn hỗ trợ, không chỉ sử dụng nguồn ngân sách thành phố để lại, địa phương phải tự lo.
Trong bối cảnh hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước, không chỉ mỗi Tp.HCM là động lực, là đầu tàu. Vì vậy, mỗi địa phương cũng phải hỗ trợ với nền tài chính quốc gia, không thể địa phương nào cũng muốn giữ lại ngân sách cho mình, đòi hỏi nâng tỷ lệ này lên được".
Theo VnEconomy