Ngành chăn nuôi trong nước thấp thỏm trước thời tiết lạnh giá ở Mỹ
Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao vì thời tiết bất lợi, tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến ngành chăn nuôi trong nước rơi vào tình trạng bị động.
- 24-10-2021Lợn "ăn sổ đỏ", người chăn nuôi lại điêu đứng
- 22-10-2021Giá thức ăn tăng 9 lần: Ngành chăn nuôi xoay xở tìm nguyên liệu
Mặc dù đã hạ nhiệt so với giai đoạn đạt đỉnh vào quý II năm nay, giá các mặt hàng nông sản được giao dịch liên thông với sở Chicago (CME) thông qua Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) vẫn đang neo ở mức cao. Đây là mức giá tham chiếu trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại thị trường nội địa, nên giá cao đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất nói riêng và toàn chuỗi chăn nuôi tại Việt Nam đang bị đặt vào tình thế khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/10, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng vọt 2,5% lên mức 557,25 cent/giạ (220 USD/tấn). Đây cũng là mức tăng mạnh nhất của ngô trong vòng 1 tháng qua. Giá khô đậu tương, thành phần chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 trong thức ăn gia súc, gia cầm, cũng tăng 1,2% lên mức 364 USD/tấn.
Lo ngại về nguồn cung sẽ là điểm tựa cho xu hướng tăng
Mặc dù nguồn cung nông sản thế giới đã phần nào nới lỏng hơn trong thời gian gần đây, nhưng vẫn đang ở mức thấp so với trung bình 5 năm qua. Theo MXV, triển vọng trong vài tháng tới giá nông sản cũng sẽ khó giảm mạnh, mà vẫn sẽ tiếp tục trải qua các đợt tăng do sự bất cân đối giữa cung, cầu.
Thời tiết, yếu tố mà con người không kiểm soát được, đang đem tới cho thị trường nhiều mối lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng vụ mùa năm nay. Sương giá đã xuất hiện sớm trong tuần này tại khu vực Trung tây, nơi được xem là vựa ngô và đậu tương của Mỹ, đang tạo ra lo ngại sẽ làm giảm chất lượng cây trồng đang trong mùa thu hoạch.
Trong khi đó, tại Nam Mỹ, nông dân đang bước vào giai đoạn gieo trồng nông sản niên vụ 2021/22. Quay trở lại thời điểm này năm ngoái, hiện tượng La Nina xuất hiện đã khiến cho các mùa vụ tiếp theo bị chậm trễ do khô hạn, dẫn tới sản lượng ngô vụ 2 ở Brazil bị thiệt hại tới 10% so với kỳ vọng ban đầu. Hiện tượng thời tiết cực đoan này có khả năng sẽ tái xuất hiện trở lại trong năm nay với xác suất gần 90%, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương học (NOAA). Những biểu hiện khô hạn hiện tại ở Argentina cũng cho thấy những dấu hiệu tương đồng với năm ngoái và khiến cho triển vọng nguồn cung càng trở nên mờ mịt hơn.
Bên cạnh thời tiết, cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá phân bón tăng cao cũng hạn chế khả năng nông dân mở rộng diện tích gieo trồng cho niên vụ 2021/22 và thậm chí sẽ kéo dài sang 2022/23. Giá phân bón nitơ, chủ yếu được sử dụng cho cây ngô, đã tăng gần gấp đôi so với cùng kì năm trước, trong khi giá một số loại phân bón khác đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Nếu giá năng lượng ở mức cao, thì giá phân bón cũng có khả năng tiếp tục tăng và kéo theo chi phí sản xuất nông sản cũng tăng lên trong thời gian tới.
Tắc nghẽn chuỗi cung ứng vẫn đang là thách thức với ngành chăn nuôi
Ngoài mức tham chiếu là giá trên sở Chicago, giá nhập khẩu nguyên liệu cho TĂCN còn phụ thuộc vào yếu tố giá chênh lệch, được quyết định bởi chi phí. Trong đó, chi phí về logistic không ngừng leo thang cũng là nguyên nhân chính gây ra nhiều khó khăn và khiến các doanh nghiệp sốt ruột khi mua hàng từ các quốc gia châu Mỹ.
Dịch Covid-19 gây ra tình trạng thiếu container rỗng và tắc nghẽn cảng nghiêm trọng. Việc tồn đọng hàng hoá tại các cảng sẽ không chỉ khiến giao hàng chậm trễ mà còn khiến giá vận chuyển tăng phi mã. Cụ thể, giá chênh lệnh, hay còn gọi là giá basis của ngô từ Nam Mỹ về Việt Nam thông thường chỉ dao động trong khoảng 120 USD/tấn, đến nay đã tăng lên gấp 3 lần so với giai đoạn trước dịch. Giá nhập khẩu nông sản về nước chính vì thế cũng tăng thêm 30% do các loại chi phí phụ trợ tăng lên.
Ngoài ra, siêu bão Ida đổ bộ vào vùng duyên hải Vịnh Mexico tấn công các nhà ga, chặn đứng con đường xuất khẩu nông sản Mỹ. Những thiệt hại này hiện vẫn đang trong quá trình khắc phục nhưng cũng khiến cho chuỗi cung ứng càng trở nên tệ hơn do Mỹ là thị trường cung cấp nông sản lớn thứ 2 cho Việt Nam. Trong khi đó, con đường vận chuyển nông sản từ Brazil và Argentina sang Việt Nam cũng chỉ mới được khôi phục trở lại kể từ tháng 9, do suốt 3 tháng trước đó, các tàu hàng tại Nam Mỹ di chuyển khó khăn do mực nước sông ở mức thấp kỷ lục.
Các doanh nghiệp vẫn phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu
Việt Nam hiện đang là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo sẽ là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 trên toàn cầu vào các năm 2021/22. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông Lê Minh Hoan đã đặt ra vấn đề trong cuộc đối thoại với doanh nghiệp nông sản, thực phẩm: “Việt Nam đang lệ thuộc đầu vào rất nhiều từ nước ngoài, tới 70% nguyên liệu nhập khẩu. Chúng ta luôn tự hào là đất nước nông nghiệp nhưng thực tế lại phải bỏ ra hàng tỷ USD hàng năm nhập khẩu ngô và khô đậu tương.”
Bộ nông nghiệp Mỹ cũng dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, với khối lượng gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, tính trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã chi 5,22 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng từ 16 - 46%, đi kèm với chi phí logistic dẫn đến giá thức ăn hỗn hợp tăng rất cao và vẫn tiếp tục tăng.
Trong bối cảnh chi phí đầu vào liên tục tăng lên, kỳ vọng giá lợn hơi hồi phục trở lại và có những dấu hiệu khả quan hơn trong thời gian qua cũng không làm giảm bớt gánh nặng lên các doanh nghiệp chăn nuôi.
Giải pháp nào cho các doanh nghiệp nội địa?
Bàn tới câu chuyện ngắn hạn, tình trạng đứt gãy chuỗi cung cầu là bài học cho các doanh nghiệp để đối phó với các rủi ro trong tương lai. Sự thiếu chủ động trong việc đáp ứng nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi dẫn tới sự rủi ro và lệ thuộc về giá, đặc biệt là trong những thời điểm thị trường nông sản tăng mạnh như năm nay.
Khi thị trường trong nước vẫn chưa thể đạt mục tiêu tự chủ nguồn cung, ngành chăn nuôi muốn giảm bớt phụ thuộc vào thị trường thế giới, thì sẽ phải dùng đến các công cụ bảo hiểm rủi ro về giá.
Hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng chênh lệch giá là các công cụ mà các tập đoàn quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã sử dụng thành thạo hàng chục năm qua. Theo Sở giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đa số các doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm rủi ro giá đầu vào, đều là các doanh nghiệp lớn, có sự đầu tư về con người và công nghệ.
Điều này đang làm gia tăng khoảng cách giữa các doanh nghiệp quy mô lớn và nhỏ trong cùng 1 ngành. Khi các doanh nghiệp lớn đã ổn định được đầu vào, thì các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang thả nổi giá nguyên liệu theo thị trường thế giới. Nếu thực trạng này kéo dài, thị trường trong nước sẽ trở thành sân chơi chỉ dành cho các “ông lớn”, mà lớn nhất trong số đó vẫn là các doanh nghiệp FDI.