Ngành công nghệ toàn cầu đang trải qua ‘cuộc đại tu’ sau 20 năm: Khủng hoảng bán tháo thường trực, rủi ro một làn sóng sa thải mới sắp bắt đầu
Ngành công nghệ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ như hồi năm 2000 và 2007.
- 10-05-2022Làm gì để chuẩn bị cho danh mục đầu tư trước nguy cơ suy thoái kinh tế?
- 10-05-2022Bí mật chưa từng tiết lộ của nghề tổ chức đám cưới triệu đô: Đau đầu nghĩ cách tiêu hết 25 triệu USD, thuộc top 5 nghề căng thẳng nhất thế giới
- 10-05-2022Nghề la hét, nói cười kiếm hàng triệu đô ở Nhật Bản: Giấu mặt nhưng vẫn canh cánh nhiều nỗi lo
Theo Bloomberg, kể từ sau sự sụp đổ của dot-com, các nhà đầu tư vốn đã chuẩn bị tinh thần cho một chiếc “bong bóng phình to” khác. Song, sau nhiều năm, sự bành trướng của các gã khổng lồ như Facebook hay Alphabet đã vô hình chung tạo ra một niềm tin vững chắc, rằng ngành công nghệ toàn cầu sẽ mãi hưng thịnh như vậy.
Tuy nhiên, sau đà lao dốc kỷ lục mới đây của phố Wall, những lo ngại xoay quanh chiếc bong bóng thứ hai lại một lần nữa quay trở lại. Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu tuần, đà bán tháo khiến chỉ số S&P 500 rơi thủng mốc 4.000 lần đầu tiên sau hơn 1 năm, tức giảm 17% từ mức đỉnh trước đó do các nhà giao dịch chưa “hoàn hồn’’ sau cú trồi sụt của thị trường hồi tuần trước. 10/11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 chốt phiên đều chìm sâu trong sắc đỏ.
“Đây là cuộc định giá lại tài sản quy mô lớn. Sẽ có sự thay đổi trong dòng vốn nhà đầu tư và động lực chủ yếu đến từ chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED”, ông Jeff Kilburg, chuyên gia của Sanctuary Wealth nhận định.
KHỦNG HOẢNG BÁN THÁO
Nếu xét về bản chất và sự đan xen không ngừng của công nghệ vào cuộc sống, sự bùng nổ của lĩnh vực này trong suốt 2 thập kỷ qua dường như không có dấu hiệu chậm lại.
Tuy nhiên, trong dài hạn, giới đầu tư bắt đầu nhận ra những điều không chắc chắn. Chỉ số Nasdaq 100 đã giảm khoảng 23% kể từ tháng 11/2021, thời điểm Mỹ bắt đầu các đợt phong tỏa kéo dài do COVID-19. Nếu tiếp tục trượt thêm một vài điểm phần trăm nữa, Nasdaq sẽ càng thêm thê thảm.
Đà bán tháo khiến chỉ số S&P 500 rơi thủng mốc 4.000 lần đầu tiên sau hơn 1 năm
Trong khi đó, theo Bloomberg, những cổ phiếu FAANG, bao gồm công ty mẹ Facebook là Meta Platforms, Apple, Amazon, Netflix và Google, đã mất khoảng 2 nghìn tỷ USD giá trị kể từ đầu năm. Trong đó, chỉ riêng 3 phiên giao dịch gần nhất đã thổi bay 1 nghìn tỷ USD.
Cần lưu ý rằng phố Wall trước đây chưa từng trải qua cuộc khủng hoảng đại dịch nào khiến hàng triệu người dân phải ở trong nhà, do đó không có số liệu tham chiếu. Hiện tại, các công ty và nhà đầu tư vẫn đang cố gắng kiểm soát sự bùng nổ trong nhu cầu người tiêu dùng - những người bị dồn nén đã lâu giờ đổ xô ra ngoài mua sắm và chi tiêu trả thù.
Tuy nhiên, trong lúc những công ty chịu tổn thương nhất trong đại dịch đang chứng kiến vận may quay trở lại, các con cưng của Thung lũng Silicon lại không được như vậy. Lấy Spotify Technology làm ví dụ. Trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu công ty truyền phát nhạc trực tuyến này chỉ được giao dịch ở mức thấp nhất lịch sử là 105 USD, giảm 57% kể từ đầu năm nay dù ghi nhận mức tăng trưởng hàng quý khả quan.
Zoom cũng mất 45% giá trị kể từ đầu năm 2022, bất chấp việc doanh thu hàng quý tăng trưởng đều đặn. Sự sụt giảm này có vẻ kỳ lạ, bởi các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục sử dụng sản phẩm của Zoom cho các cuộc họp, ngay cả khi nhân viên đã quay trở lại văn phòng.
Câu chuyện về MainStreet - công ty chuyên ứng dụng công nghệ cho các dịch vụ tài chính có trụ sở ở San Jose, California - cũng rất thích hợp để kể trong thời điểm này. Sau khi huy động vốn thành công hàng chục triệu USD hồi cuối năm 2021, MainStreet đưa toàn bộ nhân viên đi nghỉ dưỡng tại Maui, Hawaii. Niềm vui chưa trọn vẹn thì một tháng sau, khủng hoảng chip gia tăng. Tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Nga-Ukraine cùng hàng loạt các vấn đề khác cũng khiến sự bi quan tràn ngập trong lĩnh vực công nghệ.
Các công ty FAANG đã mất khoảng 2 nghìn tỷ USD giá trị kể từ đầu năm
Từ kỳ vọng hàng chục triệu USD cho vòng gọi vốn thứ hai, MainStreet chỉ huy động được rất ít so với dự đoán ban đầu. Cuối tuần trước, công ty này đã buộc phải sa thải 50 nhân viên, tương đương 1/3 tổng số nhân sự.
"Mọi người có thể đã đánh giá thấp lần biến động lần này. Chúng chưa thể hiện rõ, nhưng sẽ sớm dạy chúng ta bài học. Một bài học đau đớn", tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon viết trên Twitter.
LÀN SÓNG SA THẢI DIỆN RỘNG
Một đợt sa thải tồi tệ theo đó được dự báo sẽ sớm xảy ra trên diện rộng, từ gã khổng lồ cho đến những công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ.
"Ngành công nghệ sắp trải qua lần điều chỉnh lớn lần thứ 3 trong vòng 20 năm, sau cuộc đại suy thoái 2007-2009 và sự sụp đổ của bong bóng dot-com hồi năm 2000", David Sacks, người đồng sáng lập quỹ Craft Ventures nhận định.
Bằng chứng là sau thời gian dài kinh doanh ảm đạm, công ty mẹ Facebook đã bất ngờ tuyên bố ngừng tuyển kỹ sư mới vào nghề, đồng thời hạn chế kỹ sư tầm trung đến cao cấp. Theo Business Insider, đây là lần đầu Meta "đóng băng’’ bộ máy tuyển dụng như vậy.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ 1 tuần sau khi Meta công bố báo cáo kinh doanh quý I/2022. Tốc độ tăng trưởng doanh thu chỉ đạt mức thấp, trong khi lợi nhuận giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển dụng của hầu hết các bộ phận trong công ty", ông David Wehner, Giám đốc tài chính của Meta, cho biết.
Meta "đóng băng’’ bộ máy tuyển dụng
Đang buồn, Meta không phải công ty duy nhất gặp vấn đề về nhân sự. Theo Business Insider, làn sóng sa thải nhân viên đang bao trùm khắp nước Mỹ, từ những công ty khởi nghiệp như Peloton đến những thương hiệu có truyền thống "chống sa thải" như Netflix cũng buộc phải cắt giảm nhân sự.
Cuối tháng 4, Giám đốc tài chính Amazon Brian Olsavsky cũng thừa nhận tập đoàn này đang chuyển từ tình trạng thiếu sang thừa nhân viên. Đây được cho là sự thay đổi bất thường, bởi Amazon trước giờ vẫn được biết đến là một công ty liên tục "khát" nhân sự để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày một tăng.
Chính vì vậy, một số chuyên gia cảnh báo ngành công nghệ có thể đang đứng trước nguy cơ sụp đổ như hồi năm 2000 và 2007.
"Đó chính xác là những gì đã xảy ra khi bắt đầu bong bóng dot-com, nơi tất cả các công ty khởi nghiệp không thể gọi vốn", Keith Hwang, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư công nghệ Selcouth Capital Management chia sẻ với tờ Business Insider. "Mọi thứ bắt đầu bằng việc sa thải, sau đó dần sụp đổ’’.
"Cuộc chiến tranh giành nhân tài công nghệ rất khắc nghiệt, song nếu nó giảm tốc, điều đó có nghĩa là các công ty đang đi xuống’’, Will Price, nhà sáng lập công ty đầu tư công nghệ Next Frontier Capital nói.
Tuy nhiên, nếu nhìn trên phương diện tích cực, đây có thể là lần điều chỉnh cốt yếu để cổ phiếu công nghệ trở về đúng giá trị thực sau thời gian tăng trưởng điên cuồng do đại dịch.
"Đây là sự điều chỉnh cần thiết sau thời gian thị trường bùng nổ một cách thiếu tính bền vững", Nitish Mittal, chuyên gia của công ty nghiên cứu Everest Group chia sẻ.
Theo: Bloomberg, BI
Nhịp Sống Kinh Tế