Ngành công nghiệp thần tượng trị giá hàng tỷ USD của Nhật Bản, Hàn Quốc và mặt trái của nó
Ngày nay, ngành công nghiệp thần tượng đang mang lại rất nhiều tiền, cho cả nghệ sĩ lẫn những ông bầu đứng sau họ. Những người hâm mộ sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để có thể thể tham dự các buổi biểu diễn, mua đồ lưu niệm và được gặp gỡ, giao lưu với thần tượng của mình.
Với sức ảnh hưởng của mình, các thần tượng này có thể kiếm được rất nhiều tiền; song song với đó, họ cũng chịu áp lực vô cùng lớn để giữ gìn hình tượng của mình. Điều này vô tình tạo ra một ngành công nghiệp có tiềm năng rất lớn nhưng cũng tồn tại nhiều mặt tối cần phải khắc phục.
Ngành công nghiệp thần tượng thực tế đã hoạt động trong nhiều năm qua tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có thể kể đến một số quốc gia nổi bật là Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngành công nghiệp này tại Hàn Quốc, theo The Guardian, có giá trị lên tới 5 tỷ USD và còn tiếp tục tăng trong những năm tới.
Tại Nhật Bản, con số này cũng rơi vào khoảng 410 tỷ Yên (3,7 tỷ USD) tính đến cuối năm 2020, với tiềm năng phát triển vẫn ở mức khá cao Để có thể trở thành một thần tượng, lấy ví dụ tại Hàn Quốc, bạn cần phải có ngoại hình đẹp, dành nhiều thời gian trong phòng gym cũng như có một chế độ ăn uống cực kỳ nghiêm ngặt nhằm giữ vóc dáng.
Ngoài ra, những thần tượng tương lai này cũng phải tập vũ đạo, hát và nhiều bài tập khác giúp họ có thể biểu diễn được trước đám đông. Theo trang Instiz, trong vòng 6 tháng trước khi ra mắt, một nhóm nhạc "ngốn" hết khoảng 240.000 USD cho việc sinh hoạt và đào tạo. Đó là chưa kể khoản tiền để giúp họ phát hành album được ước tính rơi vào khoảng 215.000 USD đến 430.000 USD.
Như vậy, sẽ mất hàng triệu USD trong vòng vài năm để có thể trình làng được một nhóm nhạc thần tượng với ngoại hình đẹp, giọng hát hay và khả năng vũ đạo tuyệt vời nhằm phục vụ công chúng tại Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, các thần tượng sẽ được đào tạo sau khi họ bắt đầu biểu diễn, ngược lại với Hàn Quốc. Tuy nhiên chi phí bỏ ra cũng không hề thấp hơn chút nào; các thần tượng này sẽ phải ngày một tiến bộ theo thời gian, đồng thời vóc dáng và gương mặt vẫn giữ được sức hút đối với người hâm mộ.
Ngành công nghiệp thần tượng trị giá hàng trăm tỷ Yên tại Nhật Bản (Ảnh: Statista)
Mức lương mà những thần tượng này được nhận tùy theo độ nổi tiếng của họ, nhưng thường ở mức rất cao so với mặt bằng chung. Họ có thể có thu nhập từ việc bán các bài hát, đóng quảng cáo cho các nhãn hàng và tham gia biểu diễn tại các sự kiện. Theo CNBC, các thần tượng này có thể kiếm được 100,000 USD nếu có ít nhất 1000 người theo dõi và tổng cộng 24 triệu lượt xem mỗi năm hoặc 270 triệu lượng xem với 10,000 người theo dõi trên Tiktok. Để đạt được những con số lớn đến vậy, các thần tượng cần phải tạo được mối quan hệ thân thiết với người hâm mộ của mình. Ngoài những buổi giao lưu trực tuyến, những chương trình gặp mặt, tặng chữ ký tại các buổi biểu diễn là điều mà nhiều thần tượng thực hiện. Những người hâm mộ sẽ ngày càng yêu quý họ hơn qua những chương trình như vậy. Đồng thời các thần tượng cũng thu hút thêm đông đảo những người hâm mộ mới, giúp cho hình ảnh của họ ngày một trở nên nổi bật hơn, đi kèm theo đó là thu nhập cũng tăng thêm gấp nhiều lần. Việc trở thành thần tượng có thể giúp cho một người có tiền tài, danh vọng và quyền lực lớn với người hâm mộ của mình. Một số nghệ sĩ Hàn Quốc có tổng tài sản rất lớn nhờ việc biểu diễn, quảng cáo và nghề tay trái khác là Kim Jaejoong (80 triệu USD), PSY (60 triệu USD) hay G-Dragon (55 triệu USD)....
Một buổi biểu diễn của các thần tượng âm nhạc tại Hàn Quốc thu hút lượng lớn khán giả (Ảnh: Soompi)
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này cũng có những vết đen của nó. Vì luôn luôn bị theo dõi bởi hàng triệu người, hình ảnh của các thần tượng luôn luôn phải đẹp trong mắt công chúng; chỉ một lỗi lầm nhỏ thôi cũng sẽ phải trả giá bằng cả sự nghiệp. Do đó, áp lực phải giữ hình tượng luôn luôn đè nặng trong tâm trí những con người này, dẫn đến việc bị stress nặng nề, thậm chí dẫn tới trầm cảm. Ngoài ra họ còn có thể bị lạm dụng trong thời gian được đào tạo, dẫn đến nhiều tổn thương tâm lý nặng nề sau này. Các buổi biểu diễn liên tiếp cũng góp phần làm tăng thêm áp lực và cắt bớt thời gian nghỉ ngơi cần có của những thần tượng này. Thêm vào đó, một số fan cuồng có thể tấn công những thần tượng này một cách bất ngờ. Ví dụ điển hình là hai thành viên của nhóm AKB48 tại Nhật Bản đã bị một người hâm mộ cuồng nhiệt tấn công, để lại vết sẹo còn cho tới tận bây giờ.
Tuy nhiên, một số thần tượng cũng sử dụng quyền lực của mình nhằm làm những việc phạm pháp. Seungri, thành viên của nhóm nhạc Big Bang mới đây đã bị tuyên phạt 3 năm tù vì các cáo buộc liên quan đến gái mại dâm. Ngô Diệc Phàm, cựu thành viên của nhóm nhạc Exo, cũng bị tạm giữ vì những cáo buộc liên quan đến hiếp dâm. Tuy nhiên, điều bất ngờ là họ vẫn có được sự ủng hộ của một số fan trung thành, ngay cả khi bị buộc tội. Họ là những người hâm mộ cuồng nhiệt, sẵn sàng bất chấp tất cả để bảo vệ thần tượng của mình, cho thấy ảnh hưởng của ngành công nghiệp này lớn đến thế nào.
Seungri bị tuyên án 3 năm tù vì môi giới mại dâm và nhiều tội danh khác (Ảnh: The Strait Times)
Là một ngành công nghiệp đang dần dần có sức ảnh hưởng lớn đối với một bộ phận không nhỏ giới trẻ, những thần tượng luôn chịu nhiều sức ép mỗi khi đối mặt với công chúng. Bên cạnh những khoản tiền khổng lồ là nhiều mảng tối liên quan tới tâm lý, sức khỏe và nhiều vấn đề liên quan tới các thần tượng này, điều mà ông chủ điều hành các công ty giải trí phải chịu trách nhiệm. Đáng buồn thay, nhiều người trong số họ đặt đồng tiền lên hàng đầu, và đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Điều đó cũng thể hiện rằng song song với việc phát triển, hạn chế những mặt tiêu cực là điều mà ngành công nghiệp cần làm ngay bây giờ để tránh lặp lại các vấn đề đã và đang xảy ra.