Ngành điều lao đao vì thiếu vốn
Ngành điều Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng khi giá điều nhân xuất khẩu liên tục giảm, ngân hàng siết tín dụng nên thiếu vốn để tái sản xuất.
- 22-06-2018Các nhà máy chế biến hạt điều trong nước đang thiếu nguyên liệu
- 17-06-2018Hạt điều Việt Nam: Cần lắm một đầu tàu!
- 31-05-2018Xuất khẩu hạt điều đạt hơn 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm
Tại cuộc họp diễn ra cuối tuần qua ở TP HCM, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết sẽ đề xuất Chính phủ gói tín dụng 800 triệu USD để các doanh nghiệp (DN) điều mua khoảng 500.000 tấn điều thô phục vụ chế biến.
Khủng hoảng
Ông Hồ Ngọc Cầm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông lâm sản Phương Minh (Bình Phước), cho biết thời gian qua, DN điều luôn ở thế bị động, thua thiệt nhưng cố gắng chịu đựng để tránh vỡ nợ. Ông Cầm dẫn chứng giai đoạn từ năm 2014-2017, giá điều nhân xuất khẩu sang thị trường châu Âu là 10.000-10.500 USD/tấn, tương đương 215.000-220.000 đồng/kg. Trong khi đó, chỉ tính riêng giá nguyên liệu để làm ra điều nhân trong nước đã mất 200.000 đồng (khoảng 4 kg) cùng với nhiều chi phí khác khiến DN không có lãi.
Theo ông Nguyễn Duy Tuân, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An, do DN điều Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập nên các nhà nhập khẩu đã cố tình găm hàng, đẩy giá.
Đến đầu năm 2018, giá điều thô đã vượt lên mức 2.000 USD/tấn khiến các ngân hàng e dè giải ngân vì cho rằng quá rủi ro. Không nêu đích danh trường hợp DN cụ thể nào bị ngân hàng cắt tín dụng nhưng ông Cao Đức Huy, thành viên Ban Chấp hành Vinacas, phân tích hệ lụy là DN rơi vào tình huống trên buộc phải bán những gì đang có để có dòng tiền lấy hàng về nhằm giữ uy tín, tránh đền hợp đồng cho khách hàng. "Muốn có tiền nhanh nên phải bán rẻ. DN nào cũng muốn bán nhanh nên giá hạ liên tục. Thực tế, họ cũng không có lựa chọn nào khác" - ông Huy giải thích.
Diễn biến này phù hợp với số liệu được Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương công bố. Theo đó, giá xuất khẩu điều nhân bình quân trong nửa tháng 6 vừa qua chỉ còn 9.072 USD/tấn - tức giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2017, mức thấp nhất kể từ tháng 2-2017.
Khi giá điều nhân xuống thấp, nghĩa là biên độ lợi nhuận ngành điều giảm, thậm chí lỗ, các ngân hàng càng thêm e dè nếu cho DN điều vay vì lo ngại rủi ro. Từ đó, nhiều DN lớn cũng bị vạ lây do ngân hàng xét duyệt khó khăn hơn, thậm chí ngừng cho vay tiếp khi đến kỳ đáo hạn khiến rất nhiều DN ngành điều rơi vào khủng hoảng. Theo thống kê sơ bộ của Vinacas, tỉnh Bình Phước có khoảng 600 nhà máy chế biến điều thì 480 DN đang ngưng hoạt động; Long An có 33 nhà máy thì 21 ngưng hoạt động, các DN đang hoạt động thì công suất giảm đáng kể.
Dân trong ngành cho rằng lẽ ra, thông tin DN điều thua thiệt phải được công bố trong nhiều năm trước. Thế nhưng, họ cố cầm cự để tiếp tục hoạt động nhằm che mắt ngân hàng và đối tác.
Nguyên liệu hiện là vấn đề sống còn với ngành chế biến và xuất khẩu điều của Việt Nam. Ảnh: NGỌC ÁNH
Thoát hiểm cách nào?
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, trước tình trạng giá điều thô bị đẩy lên quá nhanh, một số DN đã "lỡ" ký hợp đồng mua giá cao, Vinacas vừa làm việc lại với các đơn vị đầu mối nhập khẩu điều thô để cùng nhau chia sẻ khó khăn. Kết quả, bên nhập khẩu đã đồng ý hạ 150-300 USD/tấn (tùy từng DN đàm phán), đưa mặt bằng giá điều thô xuống khoảng 1.600-1.700 USD/tấn.
"Với giá nguyên liệu thế này, các nhà máy có thể sản xuất trở lại khi được tiếp tục vay vốn. Đặc điểm của ngành điều là có rất nhiều cơ sở chế biến quy mô gia đình hoạt động rất linh hoạt, đa phần đóng cửa do thiếu nguyên liệu nhưng không đồng nghĩa là họ phá sản" - ông Thanh nói.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành điều đã xuất khẩu được 159.300 tấn, trị giá 1,555 tỉ USD - tăng 20,1% về lượng và 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng xuất khẩu "bùng nổ" là nguyên nhân khiến giá điều nhân giảm nhưng theo Vinacas, đây cũng là bằng chứng cho thấy ngành điều không còn hàng tồn kho. Do đó, tương lai của ngành điều sẽ không bi quan khi 6 tháng cuối năm là cao điểm tiêu thụ.
Theo tính toán của Vinacas, khoảng 500.000 tấn điều thô trị giá 800 triệu USD đang bị kẹt trên đường về Việt Nam và DN cần nguồn tiền để giải phóng lượng hàng này, đưa vào sản xuất. "Điều là ngành công nghiệp trị giá hơn 3,5 tỉ USD của Việt Nam nên rất cần ngân hàng đồng hành vượt qua khó khăn để tiếp tục sản xuất, đừng vì một vài DN làm sai mà siết chặt với cả ngành" - ông Cao Đức Huy bày tỏ.
Từng nhiều năm hợp tác với ngành điều, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc cao cấp quan hệ khách hàng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), khuyến cáo các DN cần làm tốt báo cáo tài chính. Các báo cáo cần phải được kiểm toán để phù hợp với những chuẩn mực mới mà các tổ chức tín dụng yêu cầu.
"Ngoài ra, nhiều DN đầu tư rất lớn nhưng trên giấy tờ sổ sách lại không thể hiện như vậy. Có DN khai vốn chủ sở hữu rất thấp nên không thể cho vay nhiều. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm khách hàng tốt để cho vay, hạn mức dành cho ngành điều của Eximbank vẫn còn nhiều" - ông Phong khẳng định.
Đầu tư hàng giá trị gia tăng
Theo ông Nguyễn Duy Tuân, ngành điều Việt Nam trước giờ hầu hết là gia công, biên độ lợi nhuận thấp nên khi giá giảm sâu đã phải bán đổ bán tháo để có dòng tiền xoay xở các vấn đề trước mắt. Để tránh rủi ro, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An của ông nhiều năm qua đã phải đầu tư nhà máy chế biến điều rang chiên giá trị cao và xuất khẩu chủ yếu sang những thị trường khó tính. Do đó, biến động của ngành điều hiện nay ít ảnh hưởng đến doanh nghiệp này.
Người lao động