Ngành điều Việt Nam kêu cứu khẩn cấp
Ngành điều Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 3,5 - 3,8 tỉ USD/năm, dẫn đầu toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu trong nhiều năm liền nhưng vị trí này đang bị lung lay.
- 28-02-2023Ngành điều Việt Nam: Kiên nhẫn đường dài
- 27-06-2022Ngành điều xin giảm 600 triệu USD chỉ tiêu doanh số xuất khẩu
- 15-03-2022Vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử ngành điều khiến nhiều DN có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD: Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn
Tại Hội nghị giao ban giữa Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các Hội – Hiệp hội Doanh nghiệp diễn ra chiều 19-4, tại TP HCM, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã dùng từ "kêu cứu khẩn cấp" đề cập đến những kiến nghị của ngành.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, ngành điều Việt Nam có giá trị xuất khẩu khoảng 3,5 - 3,8 tỉ USD/năm, dẫn đầu toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu trong nhiều năm liền nhưng vị trí này đang bị lung lay.
Đó là là tình trạng điều nhân nhập khẩu tăng lên nhanh chóng, cạnh tranh không bình đẳng với doanh nghiệp chế biến điều trong nước.
Các doanh nghiệp nhập khẩu điều nhân hiện phần lớn do doanh nghiệp FDI làm đầu mối thực hiện, lợi nhuận chủ yếu tập trung cho số doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp này tận dụng ưu đãi của các nước châu Phi nên xây nhà máy sơ chế tại đây. sau đó chuyển điều nhân giá rẻ về Việt Nam (chi phí vận chuyển ít vì 1 container điều nhân được chế biến từ hơn 4 container điều thô), chế biến đơn giản tại Việt Nam sau đó xuất khẩu.
Ông Bạch Khánh Nhựt phát biểu tại hội nghị
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam trước giờ đầu tư một nhà máy chế biến hoàn chỉnh từ điều thô thành điều nhân mất từ 100 - 500 tỉ đồng, nhưng nhập điều thô giá cao bởi châu Phi đánh thuế xuất khẩu điều thô, miễn thuế xuất khẩu điều nhân nên bị mất lợi thế cạnh tranh.
Nếu doanh nghiệp chuyển sang nhập điều nhân từ châu Phi thì sẽ chỉ thực hiện 1 đến 3 công đoạn cuối để có thành phẩm xuất khẩu (khoảng 20% toàn dây chuyền chế biến nếu tính từ điều thô), từ đó lãng phí dây chuyền đã đầu tư và phải sa thải lao động, công nhân mất việc.
"Ấn Độ là một nước xuất khẩu điều nhân. Trước đây, Việt Nam đã từng xuất khẩu sang nước này nhưng để bảo hộ trong nước, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu điều nhân 25% nên không còn container điều nào được xuất khẩu sang được. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa có sự bảo hộ sản xuất trong nước. Trước thực tế trên, chúng tôi khẩn cấp đề xuất Chính phủ, Bộ Công Thương và các ban ngành nghiên cứu giải pháp.
Đó là, đàm phán để các nước châu Phi miễn thuế xuất khẩu điều thô để tạo công bằng trong cạnh tranh. Nếu đề nghị này không được đáp ứng, Việt Nam cần áp thuế nhập khẩu điều nhân ở mức 25% tương tự như Ấn Độ đã thực hiện với điều Việt Nam để ngăn chặn tương lai ngành điều bị bóp chết" - ông Bạch Khánh Nhựt kiến nghị.
Nhập khẩu điều nhân tăng nhanh
Theo Vinacas, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 10.158 tấn điều nhân được nhập khẩu, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô. Còn năm 2022, có 78.583 tấn được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô - lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong 1 năm.
Người lao động