Ngành đóng tàu Hàn Quốc trước nguy cơ sa thải hàng loạt
Sa thải hàng loạt trong ngành đóng tàu có thể dẫn tới suy giảm tiêu dùng và gây sức ép cho nền kinh tế Hàn Quốc...
Nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tái cơ cấu các công ty nặng nợ sẽ khiến hàng chục nghìn công nhân mất việc, hãng tin Bloomberg cho biết.
Theo hãng tin này, các vụ sa thải lớn trong thời gian tới sẽ tập trung tại các trung tâm công nghiệp dọc bờ biển phía Đông Nam của Hàn Quốc, nơi các nhà máy đóng tàu và cảng biển chiếm ưu thế.
Ngành công nghiệp nặng của Hàn Quốc - lĩnh vực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này trong những thập kỷ trước - hiện đang lâm cảnh thua lỗ do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dư thừa công suất, và sự cạnh tranh ngày càng mạnh từ Trung Quốc.
Để nhận được sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng và Chính phủ, các công ty công nghiệp nặng của Hàn Quốc buộc phải cắt giảm nhân sự và bán bớt những tài sản không có khả năng sinh lời.
Trong một cuộc họp nội các vào tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu các doanh nghiệp công nghiệp nặng, cho dù đây là một công việc không hề dễ dàng. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm liên tục trong hơn 1 năm qua, trong khi tình trạng nợ nần chồng chất đang gây sức ép lớn đối với các công ty cần tìm động lực tăng trưởng mới.
Ưu tiên của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay là tái cơ cấu ngành đóng tàu và vận tải biển. Công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. đã lên kế hoạch cắt giảm 10% công nhân, tương đương 1.300 người, trong thời gian đến cuối năm 2018. Hyundai Heavy Industries Co. cho biết đang khuyến khích công nhân về hưu sớm, sau khi cắt giảm 25% số nhà quản lý.
Số công nhân mất việc được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi việc thu hẹp quy mô của các công ty lớn bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà thầu phụ. Ông Ha Chang Min, một quan chức công đoàn các nhà thầu phụ của Hyundai Heavy, cho biết tổ chức công đoàn này dự kiến sẽ có khoảng 10.000 công nhân mất việc làm trong năm nay sau khi kết thúc các dự án.
Tính đến cuối năm 2014, có khoảng 205.000 công nhân làm việc trong ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc - theo Hiệp hội Đóng tàu nước này. Một báo cáo mới đây của công ty Hana Financial Investment nói rằng sẽ có khoảng 10-15% công nhân trong ngành này mất việc do hoạt động tái cơ cấu.
Lương trung bình hàng tháng của công nhân làm việc trong ngành đóng tàu Hàn Quốc là 4,5 triệu Won, tương đương 3.800 USD, cao hơn so với các ngành khác. Bởi vậy mà sa thải hàng loạt trong ngành đóng tàu có thể dẫn tới suy giảm tiêu dùng và gây sức ép cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Tình trạng căng thẳng hiện đã xuất hiện trên thị trường việc làm ở Ulsan, một thành phố công nghiệp chủ chốt nằm ở phía Đông Nam của Hàn Quốc. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Ulsan trong quý 1 năm nay tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 1,3% trên toàn quốc - số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc cho thấy.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất có thể còn chưa đến. Giá trị số đơn đặt hàng mới mà các công ty đóng tàu của Hàn Quốc nhận được trong quý 1 năm nay giảm 94% so với cùng kỳ năm 2015. Theo dự báo của Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc, tổng giá trị đơn hàng mà ngành đóng tàu nước này nhận được năm nay sẽ giảm 85%.
Ở Hàn Quốc, việc mất một công việc lâu dài, ổn định thường đồng nghĩa với cuộc sống trượt vào cảnh nghèo, bởi tìm được một công việc tốt không phải là điều dễ dàng, và các chính sách an sinh xã hội của nước này còn kém so với các quốc gia phát triển.
Mức trợ cấp thất nghiệp cao nhất ở Hàn Quốc là 43.416 Won/ngày, tối đa trong 240 ngày. Con số cụ thể còn tùy thuộc vào tuổi, số năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, và mức lương trước khi mất việc.
“Khả năng tôi kiếm được một công việc mới với thu nhập và chế độ như trước chỉ là 1%”, ông Kim, một công nhân 45 tuổi, là một trong số 2.600 người bị sa thải khỏi nhà máy Ssangyong Motor hồi năm 2009, cho biết.
Kim kể, sau khi mất việc vì đợt tái cơ cấu ở Ssangyong, ông đã làm đủ nghề để kiếm sống như giao báo hay công nhân xây dựng. Hiện ông đang làm cùng lúc hai công việc: ban ngày làm tại một công ty bán lẻ, ban đêm làm tài xế, nhưng thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước kia.
VnEconomy