Ngành du lịch chao đảo, 90% nhân viên các khách sạn tại Bali mất việc
Ngành du lịch Indonesia đang chao đảo vì dịch Covid-19, đặc biệt là tại đảo Bali. 90% nhân viên khách sạn tại đây đã bị mất việc.
Ngành du lịch Bali chao đảo, 90% khách sạn sa thải nhân viên
Chị Alina, Giám đốc công ty tổ chức sự kiện, khách sạn và dịch vụ hướng dẫn du lịch Cakra Tour, tại thành phố Denpasar, đảo Bali cho biết, doanh nghiệp của mình đã ngừng hoạt động hoàn toàn vì không có đơn đặt hàng từ một tháng nay. Công ty của chị đã phải sa thải toàn bộ số nhân viên của mình và tuyên bố phá sản.
Người phụ nữ đã làm việc trong lĩnh vực kinh doanh du lịch hơn 10 năm tại Bali cho biết, sự suy giảm khách du lịch do Covid-19 nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần so với thảm họa Bali bị đánh bom năm 2002 và vụ phun trào núi lửa Agung 2018.
90% nhân viên các khách sạn tại Bali mất việc do Covid-19
Chị Alina cho rằng có lẽ chị chỉ có thể sống ở Denpasar, Bali này trong vòng 2 tháng tới. Nếu tình hình không cải thiện, gia đình chị sẽ phải về quê để tìm một vận may mới bởi gánh nặng trả góp vay ngân hàng để duy trì doanh nghiệp hiện nay.
Chị Alina bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp của chính phủ: "Chúng tôi buộc phải đóng cửa các khách sạn để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Hi vọng chính phủ sẽ có chính sách giảm thiểu thuế, tiền điện, tín dụng, cơ cấu lại nợ ngân hàng cho những người kinh doanh lĩnh vực nhà hàng khách sạn và nhiều chính sách hữu hiệu khác, để chúng tôi có thể trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn này cho tới khi dịch bệnh kết thúc.
Câu chuyện của chị Alina cũng là câu chuyện mà giới kinh doanh nhà hàng, khách sạn và du lịch ở đảo Bali đang gặp phải. 90% khách sạn nhà hàng khác tại Bali cũng buộc phải đóng cửa và sa thải nhân viên do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vào tháng 2, khi Vũ Hán (Trung Quốc) trở thành tâm dịch Covid-19 thì Indonesia đã cấm các đường bay đi và đến từ nước này. Ngay sau khi cấm đường bay, doanh thu các khách sạn tại Bali đã giảm mạnh từ 60-80%, đặc biệt là các khu vực được cho là điểm đến của các du khách Trung Quốc như Nusa Dua, Legian và Kuta. Lí do là bởi khách du lịch Trung Quốc là những người đóng góp nhiều nhất do ngành du lịch của Bali.
Theo dữ liệu của Cơ quan xuất nhập cảnh Bali, từ ngày 1-12/3/2020 có 113.079 du khách nước ngoài hạ cánh tại sân bay quốc tế tại Bali. Chưa bằng 50% số lượng khách trong tháng 2 và ước tính các tuần còn lại sẽ còn giảm sâu hơn do nhiều hãng hàng không đã ngừng các chuyến bay và các quy định nghiêm ngặt của chính phủ liên quan đến cấm người nước ngoài nhập cảnh.
Các khu lịch Bali vắng lặng. |
Những gì đã xảy ra với du lịch Bali đại diện cho bức tranh lớn hơn ở cấp quốc gia |
Những gì đã xảy ra với du lịch Bali đại diện cho bức tranh lớn hơn ở cấp quốc gia. Ngày 24/2/2020, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Panjaitan, ước tính thiệt hại của ngành du lịch quốc gia do đại dịch Covid-19 có thể lên tới 500 triệu USD mỗi tháng.
Trong khi Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ông Wishnutama Kusubandio dự đoán tổn thất của ngành du lịch Indonesia do Covid-19 khoảng 4 tỷ USD. Ước tính chỉ dựa trên lượt khách du lịch Trung Quốc tới Indonesia đạt 2 triệu mỗi năm.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ du lịch Indonesia cho thấy, gần 11.000 doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng trên khắp Indonesia; 1300 khách sạn và 207 làng du lịch tại 19 tỉnh đóng cửa; 30.421 nhân viên ngành du lịch bị sa thải; 6.724 nhân viên du lịch tạm thời nghỉ việc; và 38 lĩnh vực không chính thức khác đã bị kéo theo hậu quả.
Khách du lịch nước ngoài đến Indonesia đã giảm đáng kể từ hơn 1,2 triệu lượt khách trong tháng 1 giảm xuống còn khoảng 885,100 trong tháng 2 (30,42%). Hầu hết các lượt khách đến Indonesia trong tháng Hai đến là từ Malaysia (175.300 người), Australia (90.700 người) và Singapore (88.700 người). Khách du lịch từ Trung Quốc giảm nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, giảm 93.50%.
Trước đó, chính phủ Indonesia đã đưa ra gói kích thích kinh tế trị giá 33,200 tỷ Rupiah tập trung vào xúc tiến du lịch. Tuy nhiên chính sách này được cho là không hiệu quả. Chi ngân sách thúc đẩy du lịch trong bối cảnh này chỉ làm bùng phát thêm dịch bệnh, tăng sự thiệt hại kinh tế cho đất nước. Cho đến nay, chính phủ Indonesia đang chuẩn bị một gói chính sách tài chính dưới hình thức miễn thuế khách sạn và nhà hàng trong vòng 6 tháng như một động thái để giảm bớt thiệt hại cho ngành du lịch, được coi là mũi ngọn kinh tế của quốc gia vạn đảo này.
VOV