Ngành du lịch sẽ “thay da đổi thịt” ra sao khi đại dịch kết thúc?
Covid-19 đã đẩy du lịch quốc tế vào bế tắc. Nhưng ngành này sẽ phục hồi và thậm chí có thể phát triển vượt bậc, Simon Wright cho biết.
- 27-02-2021Tỷ phú giàu thứ 4 nước Đức đột ngột qua đời, khối tài sản hơn 20 tỷ USD vẫn chưa tìm ra người thừa kế
- 25-02-2021Bất chấp đại dịch Covid-19, Start-up du lịch lớn nhất Đông Nam Á đã về ngưỡng trước dịch ở Việt Nam vào cuối năm 2020, muốn đẩy mạnh fintech để IPO ở Mỹ
- 03-02-2021'Du lịch vắc-xin': Khi người giàu cướp bóc tài nguyên của dân thường
Chỉ nhìn vào chiếc vali cũng có thể biết được du lịch quốc tế đã thay đổi như thế nào qua các thời kỳ. Các nhà thám hiểm trong thời đại khám phá của thế kỷ 15 đã khởi hành cùng các thùng cung cấp lương thực và đồ dùng sử dụng trong nhiều năm chất đầy lối đi bộ. Giới quý tộc trong một "chuyến du lịch dài" vào thế kỷ 18 đã đi vòng quanh châu Âu hàng tháng trời trên những chiếc xe ngựa chất đầy hòm, người hầu và thậm chí cả vật dụng trong nhà.
Chiếc vali xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 khi việc dành vài tuần ở nước ngoài trở nên phổ biến hơn đối với những người giàu có. Vào những năm 1970, khách du lịch và các giám đốc điều hành cần phải mang những thứ cần thiết để sẵn sàng lưu lại các sân bay rộng lớn trong vài đêm. Và do đó, chiếc túi có bánh xe trở thành biểu tượng cho thời đại của du lịch đại chúng.
Sự phổ biến của vali kéo phản ánh xu hướng cắt giảm chi phí và đẩy nhanh tốc độ trong việc di chuyển đường dài. Giá vé máy bay ngày càng rẻ hơn, thu nhập tăng và thời gian giải trí nhiều hơn đã khiến nhiều người trong giới thượng lưu muốn thoát khỏi căng thẳng hàng ngày bằng thói quen đi du lịch nước ngoài.
Du lịch mang đến những trải nghiệm và kỷ niệm mới. Và mặc dù không phải mọi tâm trí đều được mở mang, chắc chắn cũng không mấy người cảm thấy buồn bực sau mỗi chuyến đi. Như Mark Twain đã nói "du lịch là thứ vũ khí tiêu diệt mọi thành kiến, sự cố chấp và hẹp hòi".
Sự dễ dàng trong việc đi lại không chỉ mở rộng ngành du lịch. Khi các công ty vươn mình ra khắp thế giới, nhân viên của họ cũng vậy. Việc đi công tác giúp các công ty đa quốc gia và chuỗi cung ứng được kết nối với nhau.
Và khả năng đi lại thuận lợi đã cho phép mọi người đến khắp nơi trên thế giới để làm việc, học hỏi hoặc chỉ để thay không khí sống. Do các gia đình không thể thường xuyên gặp nhau nên nhu cầu giữ liên lạc hoặc dự tiệc cưới, sinh nhật ở nước ngoài cũng tăng theo. Việc di chuyển dễ dàng đã mang thế giới lại với nhau bằng cách tạo điều kiện cho gia đình và bạn bè sống xa nhau hơn.
Sự gia tăng lớn trong du lịch quốc tế đi cùng với sự phát triển của hàng không. Một chuyến tàu trên tuyến đường xuyên Siberia từ Bắc Kinh đến Moscow mất hơn 5 ngày; một chuyến bay khoảng 7 giờ. Tuy nhiên, nhân tố thực sự thay đổi cuộc chơi chính là giá vé rẻ hơn. Vào năm 1950, chỉ có 25 triệu người đi du lịch nước ngoài, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc cho biết. Đến năm 2019, số lượng các chuyến đã tăng lên 1,5 tỷ (và không bao gồm người di cư, người tị nạn và các chuyến thăm hơn một năm).
Gần 3/5 du khách quốc tế đến và đi bằng máy bay vào năm 2019, so với chỉ 5% bằng đường biển và 1% bằng tàu hỏa. 35% khách du lịch băng qua biên giới bằng ô tô chủ yếu là người châu Âu, cư dân của thị trường du lịch lớn nhất thế giới, tận dụng lợi thế về kích thước nhỏ của lục địa và đường xá tốt. Đi nghỉ là động cơ chính cho du lịch nước ngoài, chiếm 55% số chuyến đi. Đi công tác chiếm 11%. Phần lớn thời gian còn lại là để thăm gia đình và bạn bè ở nước ngoài. Một số đi du lịch vì lý do tôn giáo và khoảng 15 triệu lượt khám chữa bệnh trong năm 2017.
Du khách quốc tế đã nghỉ tại các khách sạn, nhà hàng, công ty cho thuê xe hơi và công ty lữ hành. Chi tiêu của họ đạt 1,5 triệu triệu USD vào năm 2019. Trước Covid-19, du lịch đóng góp 4,4% GDP và 6,9% việc làm trong khối OECD. Du lịch quốc tế chiếm 6,5% xuất khẩu toàn cầu vào năm 2019, theo WTO. Theo tuyên bố của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, tổng cộng, du lịch tạo ra hơn 330 triệu việc làm -một phần mười tổng số việc làm trên thế giới.
Covid-19 đã tàn phá một ngành công nghiệp dựa vào quyền tự do di chuyển của con người. Du lịch quốc tế gần như ngừng hoàn toàn từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020, khi 4/5 quốc gia đóng cửa biên giới. Bị cấm hoặc không thể đi lại, du khách đã phải ngừng việc du lịch.
Lượng khách quốc tế giảm 70-75% vào năm 2020, với ít hơn 1 tỷ du khách và chi tiêu ít hơn 1,1 tỷ USD. Con số này gấp mười lần mức thâm hụt trong chi tiêu du lịch vào năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính. Và sự phục hồi có vẻ xa vời, ngay cả khi vắc-xin hiệu quả. OECD dự đoán rằng du lịch sẽ là một trong những "ngành cuối cùng của nền kinh tế phục hồi nhu cầu đã mất".
Tuy nhiên, triển vọng cũng không tiêu cực như vậy. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các máy bay phản lực thương mại giảm xuống vào năm 2020, làm gia tăng cuộc tranh luận về cách hạn chế ô nhiễm này vĩnh viễn. Các điểm đến bị tàn phá bởi du lịch quá mức đã có một thời gian phục hồi. Và những người lạc quan cho rằng về lâu dài, mối liên hệ giữa sự giàu có ngày càng tăng và nhu cầu du lịch sẽ vẫn không bị gián đoạn.
Đối với tất cả những tác động ngắn hạn, đại dịch có thể đẩy nhanh các xu hướng mà cuối cùng sẽ làm cho việc đi lại vừa dễ dàng hơn vừa ít gây thiệt hại hơn. Ngành du lịch ngày nay có thể đã thất bại - nhưng một "phiên bản" mới xuất hiện có thể tốt hơn bao giờ hết.