MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành du lịch Việt mùa dịch Covid-19: Các doanh nghiệp cắn răng chịu trận chờ qua dịch, nhiều tỉnh thành cố gắng kích cầu du lịch trong nước

Saigontourist xác định đây là mùa thấp điểm trong kinh doanh, nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm để bung ra sau dịch; tỉnh Khánh Hòa – Đà Nẵng – Huế thì chuyển sang kích cầu khách du lịch nội địa cùng các thị trường mới như Ấn Độ, Indonesia, Đức, Nga…

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đóng cửa, doanh nhiệp vừa và lớn cắt giảm khoảng 50% nhân sự

Trong mùa đại dịch Covid-19, du lịch chính là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất. Mới đây, trong một cuộc họp báo vào ngày 3/3, Bộ trưởng và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng đã thông tin rằng, ngành du lịch Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 7 tỷ USD vì Covid 19, do lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm tới 60%.

Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có không ít doanh nghiệp nhỏ trong ngành du lịch – nhất là mảng khách sạn/nhà hàng đóng cửa, trong khi các doanh nghiệp vừa và cả các tập đoàn lớn, phải giảm biên chế nhân sự khoảng 50% hoặc hoạt động cầm chừng.

Một nữ chủ khách sạn 3 sao giấu tên tại Hội An cho chúng tôi biết, sau khi Covid-19 bắt đầu vượt biên giới Trung Quốc đến Hàn Quốc, lượng khách của khách sạn bắt đầu giảm mạnh, buộc khách sạn này phải cắt giảm nhân sự. Hiện tại, gia đình chị vẫn cố gồng lên chịu đựng nhưng không biết có thể chịu được đến bao giờ. "Tới lúc Nhà nước muốn cứu, chúng tôi cũng đã chết hết rồi", nhân vật giấu tên cho biết.

Ở khía cạnh khác, khảo sát từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như TTC Hospility, Hồ Tràm Grand, Agoda, Gotadi, Saigontourist thông tin về tác động của dịch bệnh Covid-19 tới mỗi doanh nghiệp cũng như cách ứng phó của họ. Kết quả chúng tôi nhận được là: TTC Hospility và Hồ Tràm Grand gửi 2 thông cáo về cách họ bảo vệ du khách và nhân viên trước nguy cơ lây nhiễm của virus Corona; Agoda và Gotadi nói thẳng là không muốn nói về đề tài này; chỉ Saigontourist cung cấp một vài thông tin chung chung cho chúng tôi.

Có lẽ, 4 doanh nghiệp nói trên đều có ít nhiều thiệt hại và chưa muốn công khai tiết lộ tình hình thực sự của mình.

"Đại dịch Corona đã ảnh hưởng khá lớn đến ngành kinh tế du lịch nói chung. Riêng đối với lữ hành Saigontourist, kể từ những ngày đầu xảy ra dịch bệnh, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách, công ty đã phải hủy toàn bộ các tour đi Trung Quốc.

Với diễn tiến ngày càng phức tạp cộng với sự bùng phát mạnh mẽ của virus Corona, các tour du lịch nước ngoài đi các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Châu Âu của công ty đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó, du lịch trong nước cũng chịu ảnh hưởng không kém khi người dân hạn chế việc đi lại theo các khuyến cáo về y tế nhằm phòng tránh dịch bệnh", đại diện Saigontourist tiết lộ.

Ngành du lịch Việt mùa dịch Covid-19: Các doanh nghiệp cắn răng chịu trận chờ qua dịch, nhiều tỉnh thành cố gắng kích cầu du lịch trong nước - Ảnh 1.

Một khách sạn mini tại Quận 8 đã đóng cửa.

Đối với các tỉnh thành, Khánh Hòa – cụ thể TP Nha Trang, chính là địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-9 nặng nhất, do khách quốc tế đến họ chủ yếu là từ Trung Quốc. Nha Trang trước đây được mệnh danh là thiên đường dành cho du khách Trung Quốc.

Một báo cáo từ Sở Du lịch Khánh Hòa mới đây cho thấy: trong tháng 1/2020 (khi dịch Covid-19 chưa leo thang), họ đón 298,798 nghìn lượt khách quốc tế và 189,823 nghìn lượt khách nội địa; trong đó khách Trung Quốc chiếm 210,823 nghìn lượt, Hàn Quốc có 11,73 nghìn lượt, châu Âu có 51,596 nghìn lượt, trong đó Nga có 49,629 nghìn lượt khách. Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc lần lượt là những thị trường lớn nhất của Nha Trang.

Đến tháng 2/2020, lượng khách đến Nha Trang đã sụt giảm mạnh: ước tính chỉ có khoảng 70 nghìn lượt khách quốc tế và 60 nghìn lượt khách quốc nội, sụt giảm 2/3 so với tháng 1. Hiện tại, du khách Trung Quốc và Hàn Quốc gần như vắng bóng tại Nha Trang, chỉ còn lại khách Nga.

Anh Vũ đang làm trong một công ty chuyên về thiết kế cảnh quan cho các khu du lịch tại Nha Trang cũng cho chúng tôi biết thêm: công ty của anh đã cắt giảm bớt nhân sự do nhiều công trình lớn đã ngừng thi công, resort Hòn Tằm chỉ còn mở cửa khu vực VIP dành cho khách Tây và tạm đóng cửa những khu khác, Vinpearl giảm giá đến 50% nhưng vẫn rất ít khách đến thăm. Bây giờ, Nha Trang chỉ còn duy nhất khách Nga và lác đác vài khách Tây.

Ở Thừa Thiên Huế, do cơ cấu khách du lịch của họ khá đa dạng, nên ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 không khốc liệt như Nha Trang. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế kể, hiện có khoảng 20% đến 30% du khách quốc tế đã hủy đặt phòng ở các khách sạn – resort tại Huế, dự báo với việc dịch Covid-19 lan rộng tại Hàn Quốc, Nhật và Ý trong thời gian tới, mức hủy đặt phòng có thể sâu hơn.

Trong tháng 01/2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 407,197 nghìn lượt, tăng 5,07% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 219,477 nghìn lượt, tăng 13,56%. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Huế khi chiếm 17,4%, Thái Lan 14,3%, Đài Loan 8,4%, Mỹ 6,9%, Pháp 6%....

Vào tháng 2/2020, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt 297,037 nghìn lượt, giảm 21,4% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 139,653 lượt, giảm 24.41%. Riêng khách Mice (hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện…) giảm gần 100%. Trong tháng 2/2020, dự tính du lịch Huế sẽ thiệt hại trên 40 tỷ đồng.

Ngành du lịch Việt mùa dịch Covid-19: Các doanh nghiệp cắn răng chịu trận chờ qua dịch, nhiều tỉnh thành cố gắng kích cầu du lịch trong nước - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế

Trong tháng 3/2020, theo dự báo khả năng lượng khách lưu trú sẽ giảm từ 25% - 30% và khả năng có thể giảm sâu hơn, thiệt hại sẽ hơn 35 tỷ đồng. Cũng đã từ lâu, cảng Chân Mây ở Huế không còn chào đón các du thuyền vào thăm quan, khiến tỉnh cũng mất một lượng khách quốc tế đáng kể.

Từ đây cho đến khi kết thúc dịch, dự báo lượt khách đến Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục giảm từ 30-50% đối với khách quốc tế (riêng khách Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ giảm gần như 100%) và có thể giảm trên 50% đối với khách nội địa.

Các doanh nghiệp chấp nhận chịu trận để chuẩn bị nội lực bung hàng sau dịch, các tỉnh thành cuống cuồng tìm giải pháp

Không ‘ngồi yên chờ chết’, Khánh Hòa đang tìm rất nhiều phương cách nhằm giúp các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh tìm cơ trong nguy. Trong vài ngày gần đây, Sở Du lịch Khánh Hòa có rất nhiều hoạt động kích cầu du lịch quốc tế cũng như trong nước.

Ví dụ: họ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch đối với thị trường Nga nói riêng và Đông Âu nói chung; đặc biệt là thị trường Nga, nơi mà họ đã đặt được nền móng tương đối vững chắc, với sự hoạt động tích cực của các doanh nghiệp như Pegas Misr Việt Nam. Mục tiêu của Khánh Hòa là muốn khai phá thêm những thị trường mới ở châu Âu và châu Á, đặc biệt là những quốc gia chưa bị tàn phá bởi dịch Covid-19.

"Kinh nghiệm cho thấy, khi mùa dịch đi qua, du khách Việt sẽ là những người đi du lịch đầu tiên; trong khi đó, thị trường quốc tế phải mất 3 - 6 tháng mới hồi phục, nếu khai thác thị trường mới phải mất 3 năm. Chính vì thế, trước mắt, du lịch vẫn nên tập trung truyền thông, quảng bá ở thị trường nội địa. Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa sẽ sớm hồi phục nếu có những chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn", ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc khách sạn Rosaka Nha Trang nhận định.

Thế nên, Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đang xây dựng chương trình kích cầu du lịch với sự tham gia của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí; đơn vị vận chuyển hàng không, đường bộ, đường thủy, các công ty lữ hành.

Trong đó, các đơn vị cam kết giảm giá dịch vụ, sản phẩm dành cho khách lẻ (tự đặt dịch vụ) từ 10 đến 50% trên giá công bố; giảm 10 - 30% so với giá đã giảm cho khách lẻ đối với các công ty lữ hành, công ty du lịch tham gia chương trình kích cầu. Tỉnh này cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành du lịch tham gia chương trình "Chào mặt trời" của Vietnam Airlines.

Ngành du lịch Việt mùa dịch Covid-19: Các doanh nghiệp cắn răng chịu trận chờ qua dịch, nhiều tỉnh thành cố gắng kích cầu du lịch trong nước - Ảnh 3.

Tại Nha Trang vào thời điểm này, khách Nga là nhiều nhất. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Tuy nhiên, theo Sở Du lịch Khánh Hoà, trong thời gian qua, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa chưa quan tâm thị trường khách nội địa một cách đúng mức. Nhiều đơn vị lữ hành, khách du lịch từng than phiền rất khó kiếm phòng lưu trú ở Nha Trang trong những mùa cao điểm, nếu có thì luôn phải chịu giá cao. Bên cạnh đó, du lịch Khánh Hòa cũng đang gặp sự cạnh tranh từ các điểm đến mới nổi trong khu vực như: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận… nên việc phát triển lượng khách nội địa ngày càng khó khăn.

"Hiện nay, so với du lịch với các tỉnh khác trong khu vực miền Trung, về giá buồng phòng tại Huế đang nằm trong ngưỡng thấp, vì vậy Sở đã chỉ đạo các cơ sở nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, bổ sung thêm các dịch vụ để phục vụ du khách. Tùy vào tình hình thực tế của doanh nghiệp để có chính sách giảm giá, tham gia các gói kích cầu phù hợp.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh, liên kết với Vietnam Airines tổ chức vận động các doanh nghiệp dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, sản phầm lưu niệm và điểm đến,..) tham gia chương trình kích cầu du lịch ở Thừa Thiên Huế với hình thức đa dạng (ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp,..) để hình thành gói kích cầu mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương.

Đồng thời, Sở đã giao Trung tâm Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế trao đổi, kết nối với Hiệp hội du lịch 3 địa phương ở miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình) để hình thành các gói kích cầu, chương trình tour ưu đãi liên kết miền Trung công bố từ đầu tháng 3/2020. Các tỉnh miền Trung đang nhắm vào việc thu hút thêm khách từ các thị trường mới như Nga, Ấn Độ, Indonesia…

Ngoài ra, Sở và Hiệp hội du lịch sẽ vận động các doanh nghiệp và địa phương có chương trình ưu đãi, khuyến mãi riêng cho người địa phương nhằm tạo kích cầu du lịch nội tỉnh, cũng là 1 hình thức tạo sự quan tâm hỗ trợ lẫn nhau trong cộng động doanh nghiệp và các nhóm cộng đồng địa phương", ông Nguyễn Văn Phúc nêu biện pháp cụ thể.

Ngay cả các tỉnh thành cũng gặp khó khăn, nên chẳng ngạc nhiên khi các doanh nghiệp du lịch gần như chấp nhận chịu trận, cắn răng đợi mùa dịch đi qua, như Saigontourist.

Ngành du lịch Việt mùa dịch Covid-19: Các doanh nghiệp cắn răng chịu trận chờ qua dịch, nhiều tỉnh thành cố gắng kích cầu du lịch trong nước - Ảnh 4.

Saigontourist đã bắt đầu có những gói kích cầu du lịch trong nước.

"Đứng trước tình hình chung như thế, lữ hành Saigontourist xác định đây là mùa thấp điểm trong kinh doanh của công ty. Và có thể xem đây là cơ hội để công ty tập trung vào công tác đào tạo, tái đào tạo nguồn nhân lực của công ty cũng như rà soát lại toàn bộ các quy trình tổ chức tour, chăm sóc khách hàng, xây dựng sản phẩm… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm.

Để vượt qua khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra hiện nay, trước mắt, lữ hành Saigontourist tiếp tục cập nhật thông tin tích cực về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cho đối tác và du khách quốc tế đang thực hiện tour ở Việt Nam để du khách yên tâm, không hủy tour và vẫn giữ kế hoạch đi tham quan Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Đối với du khách Việt Nam, khi tình hình dịch bệnh được khống chế và có diễn tiến khả quan hơn, lữ hành Saigontourist sẽ triển khai nhiều sản phẩm kích cầu trong và ngoài nước với chính sách giá cả ưu đãi, hấp dẫn cũng như áp dụng các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm, đa dạng hóa các chương trình tham quan…", đại diện Saigontourist kết luận.

Trong tương lai gần, cuộc chiến thu hút khách du lịch nội địa giữa các doanh nghiệp và tỉnh thành sẽ rất nóng bỏng.

Ngành du lịch Việt mùa dịch Covid-19: Các doanh nghiệp cắn răng chịu trận chờ qua dịch, nhiều tỉnh thành cố gắng kích cầu du lịch trong nước - Ảnh 5.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

Trở lên trên