Ngành đường sắt không muốn dời ga Hà Nội
Lãnh đạo ngành đường sắt, các chuyên gia góp ý việc di dời ga HàNội sẽ gây tốn kém, bất cập, người dân đi lại khó khăn hơn...
“Theo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt không có nội dung nào di dời ga Hà Nội ra khỏi trung tâm TP...”.
Ngày 9-8, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM.
Trước đó, ngày 8-8, tại hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông bảy tháng đầu năm 2017 trên địa bàn Hà Nội, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, đề xuất di dời ga Hà Nội.
Phải do Thủ tướng quyết định
Theo Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, hiện nay Hà Nội có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Việc này gây ra nhiều xung đột và là tác nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trên đường sắt trở nên phức tạp, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị.
Ông Phạm Xuân Bình tin tưởng khi ga Hà Nội di dời sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm. Đặc biệt là hạn chế TNGT đường sắt trên địa bàn thủ đô.
Trước đề xuất này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho rằng đây là ý kiến cá nhân của lãnh đạo Công an TP Hà Nội nên các cơ quan chức năng sẽ xem xét, tiếp thu.
Tuy nhiên, ông Hoạch khẳng định quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như ông đã đề cập ở trên thì không có nội dung này. Trường hợp thay đổi quy hoạch thì phải thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Theo lãnh đạo ngành đường sắt, để giải bài toán ách tắc giao thông có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao, không nên tìm cách đưa ga Hà Nội ra khỏi trung tâm trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.
Đề xuất gây lãng phí (!?)
TS Phạm Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho hay theo nghiên cứu của ông, phương án giữ lại ga Hà Nội có tác dụng rất tốt là liên kết với các phương tiện khác, nghĩa là kết nối hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, việc để ga ở trung tâm sẽ giảm bớt cự ly và lưu lượng đi lại giữa các tuyến với nhau.
Đặc biệt, theo ông Thủy, với vị trí của ga Hà Nội hiện tại, sau này quy hoạch phía dưới sân ga có tàu điện ngầm, bên cạnh là trạm xe buýt và các điểm đỗ taxi thì rất thuận tiện cho người dân.
Trường hợp nếu đưa ra ngoài khoảng 20 km, ông Thủy khẳng định kết nối giao thông chắc chắn sẽ khó khăn vì tàu điện ngầm không thể đưa ra ngoài, chỉ chạy được ở nội thành. Các tuyến xe buýt, taxi phải chạy ra ngoại thành để đón khách tàu hỏa thì rất bất tiện, tốn kém thêm chi phí và thời gian, rối loạn giao thông tăng lên...
Xảy ra 807 vụ tai nạn đường sắt
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, từ ngày 16-12-2016 đến 15-7-2017, TP đã xảy ra 807 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm 319 người chết, 656 người bị thương.
Trong đó, TNGT đường sắt xảy ra 14 vụ, làm 13 người chết (tăng năm vụ, tăng năm người chết, giảm một người bị thương so với cùng kỳ năm trước). Trước tình hình tai nạn diễn ra phức tạp, Công an TP Hà Nội vừa thành lập phòng CSGT đường sắt.
Bên cạnh đó, theo tính toán của ông Thủy, nếu chuyển ga Hà Nội phải mất hàng ngàn tỉ đồng.
“Việc di dời ga tôi cho rằng mới chỉ nhìn về vấn đề trật tự, muốn đưa ga ra ngoài đỡ lộn xộn nhưng làm như vậy sẽ lộn xộn hơn, mất an toàn hơn, làm tăng nhịp độ đi lại, mất trật tự nhiều hơn. Đây là đề xuất không hợp lý, gây bất cập, khó khăn cho người dân, gây lãng phí rất lớn. Mặt khác, nếu đưa ra ngoài thì cũng cần để ga Hà Nội nằm ở trung tâm một thời gian trước khi chuyển hẳn. Vậy thì không biết lúc nào ga Hà Nội sẽ nằm ngoài. Mỗi ga, bến xe đều là địa chỉ quen thuộc của người đi lại rồi, không nên thay đổi...” - ông Thủy nêu quan điểm.
Ông Thủy nói thêm trên thế giới, nhiều TP hàng trăm năm nay vẫn giữ các ga trong trung tâm TP, điển hình như ở Matxcơva (Nga), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản)...
Xây ga đầu mối, làm đường sắt trên cao
Bà Nguyễn Thị Tuyến, một người dân sống gần ga Hà Nội, cho rằng ga Hà Nội ở vị trí trên đã gắn bó với người dân bao đời nay và rất thuận tiện cho việc đi lại. Bên cạnh đó, ga Hà Nội không đơn thuần là nơi đưa đón hành khách mà với lịch sử lâu đời của ga, nó còn là một điểm du lịch của nhiều người dân trong và ngoài nước. “Nên tôi không muốn ai mang nó đi. Điều chúng ta cần làm là tìm phương án giảm được các điểm xung đột và cải tạo nó tốt lên” - bà Tuyến nói.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Nội, cũng cho rằng việc di dời ga Hà Nội vô cùng tốn kém, không có tầm nhìn và trách nhiệm bảo tồn giá trị di sản.
Theo ông Nghiêm, quy hoạch giao thông của TP Hà Nội được phê duyệt năm 2011 xác định ga Hà Nội là ga trung chuyển chứ không phải ga đầu mối. Ga đầu mối lâu dài phải tập trung vào các đường sắt đô thị và một số tuyến đường liên kết vùng. Nên đề xuất di dời ga Hà Nội không hợp quy hoạch. Tuy nhiên, để giảm bớt ách tắc giao thông, theo ông Nghiêm cần sớm hoàn thiện ga đầu mối...
TS Phạm Xuân Thủy đề xuất thêm giải pháp nâng cấp ga Hà Nội; cho đường sắt chạy trên cao, còn phía dưới các phương tiện vẫn lưu thông bình thường, làm như vậy sẽ xóa được các điểm gây xung đột giao thông.
Pháp Luật TPHCM