Ngành Đường sắt phản hồi đề xuất di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô
Liên quan đến đề xuất di dời tuyến đường sắt và Ga Hà Nội ra khỏi nội đô, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.
- 11-02-2017Đà Nẵng: 15.400 tỷ đồng triển khai dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng
- 17-06-2016Di dời ga Đà Nẵng kết hợp với phát triển đô thị
- 13-08-2015Đà Nẵng: Xây mới ga hàng không, di dời ga đường sắt
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt trên toàn thế giới đều thể hiện 2 ưu việt, đó là tính an toàn và nằm trong nội đô để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân.
“Một đoàn tàu có thể chuyên chở được từ 700-1.000 hành khách, thay vì vận chuyển như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô. Nếu đường sắt không ở trung tâm thì phương tiện từ trung tâm vận chuyển hành khách ra ngoại thành sẽ tăng lên đáng kể. Do vậy, phải xem xét kỹ việc di chuyển đường sắt ra ngoại thành,” ông Minh phân tích thêm.
Đề cập đến thông tin đường sắt ở Hà Nội hiện nay gây ách tắc giao thông, theo ông Minh, giao cắt xung đột đồng mức (giữa đường sắt và đường bộ) cũng rất phổ biến ở các nước châu Âu như Áo, Đức. Thậm chí ở Áo, đường sắt đô thị có đoạn còn đi trên mặt đường song song với đường bộ.
Để hạn chế các giao cắt đồng mức, giảm ách tắc giao thông, người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt đưa ra giải pháp có thể nghiên cứu phương án cho đường sắt đi ngầm hoặc đi trên cao chứ không thể di chuyển đường sắt quốc gia ra ngoài trung tâm, trong khi nhu cầu đi lại của người dân rất lớn.
“Vấn đề quan trọng là trong quy hoạch của Hà Nội cũng như quy hoạch quốc gia, theo Quyết định 214 của Chính phủ đến 2020, Ga Hà Nội vẫn là ga trung tâm. Việc quy hoạch cân đối hài hòa phát triển lợi ích các bên, quan trọng nhất là tạo thuận lợi cho người dân,” ông Minh nói.
Theo quy hoạch đường sắt được Thủ tướng phê duyệt thì đường sắt quốc gia vẫn có ga trung tâm là Ga Hà Nội hiện nay và kết nối với đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) .
Mới đây, tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông bảy tháng của năm 2017 trên địa bàn Hà Nội vào sáng ngày 8/8, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã có đề xuất di dời tuyến đường sắt liên tỉnh và Ga Hà Nội ra khỏi nội đô để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông.
Theo Thiếu tướng Bình, hiện Hà Nội có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt,tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông. Trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 thành phố khác là còn đường sắt liên tỉnh trong nội thành.
“Ga Hà Nội cũng là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân bằng đường sắt. Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời Ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xóa bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành,” Thiếu tướng Bình kiến nghị.
Với biện pháp này, vị Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tin tưởng sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn thủ đô./.
Vietnam+