MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành đường sắt “tiêu” 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án cấp thiết

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, Tổng công ty đã đề xuất 4 dự án cấp thiết để cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM sau khi đơn vị này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thông qua 7.000 tỷ đồng cho công tác nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng.

Bốn dự án cấp bách này bao gồm dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh. Dự án sẽ nâng cấp cải tạo tuyến khoảng 138,69km; cải tạo cục bộ bình diện có bán kính đường cong nhỏ ảnh hưởng đến dải tốc độ trên các khu gian có điều kiện nâng cao vận tốc với khoảng 10 điểm; mở thêm đường số 3 đối với 3 ga đường sắt hiện tại chỉ có 2 đường; kéo dài đường ga đối với 7 ga; mở mới 1 ga trên các khu gian hạn chế năng lực; xây hàng rào, đường gom. Sau khi hoàn thành dự án, sẽ tăng năng lực thông qua đoạn Hà Nội - Vinh từ 21 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên xấp xỉ 23-25 đôi.

Hai là, dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn bao gồm: nâng cấp cải tạo tuyến 173,2km; cải tuyến 3 điểm có bán kính đường cong nhỏ; mở thêm đường số 3 tại 2 ga; kéo dài đường ga tại 9 ga; mở mới 3 ga; xây dựng hàng rào, đường gom. Sau khi hoàn thành dự án, sẽ tăng năng lực thông qua từ 19 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên xấp xỉ 23-25 đôi; Nâng cao tốc độ chạy tàu, tổng thời gian dự kiến rút ngắn 60 phút so với hiện tại.

Ba là, dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô gồm nâng cấp, cải tạo 50,5km; rà soát các cầu yếu còn lại, cầu không đạt tải trọng rải đều 4,2 T/km để cải tạo, nâng cấp đồng nhất tải trọng và tốc độ, dự kiến 111 cầu. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đoàn tàu tăng được trọng lượng thông qua cầu với sức kéo lớn. Khi đó, tận dụng được công suất đầu máy, sức chở, từ đó nâng được năng lực vận tải hàng hóa tăng thêm được ít nhất 2 triệu tấn/năm; đồng thời xóa bỏ được các điểm chạy chậm do cầu yếu.

Bốn là, dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang sẽ nâng cấp, cải tạo 112,6km, cải tạo 32 điểm bán kính đường cong nhỏ, mở mới ga; dự kiến nâng cấp, thay thế 11 hầm yếu; xây dựng hàng rào, đường gom. Dự án sẽ nâng cao an toàn đường sắt, đề phòng sự cố sập hầm, gây tắc nghẽn giao thông.

Lãnh đạo VNR cũng cho biết, mục tiêu tiến độ của 4 dự án trên là năm 2020 phải hoàn thành nên cả 4 dự án đều sẽ được triển khai đồng loạt.

Kế hoạch đầu tư nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng và Bộ GTVT phê duyệt, trình Chính phủ xin bố trí vốn từ đầu năm 2017. Sau khi Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc cấp 7.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng đường sắt tuyến Hà Nội – TPHCM, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bố trí 7.000 tỷ đồng cho 4 dự án đường sắt cấp bách vào đầu tháng 8/2018. Đây là khoản vốn nằm trong gói ngân sách 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu của việc đầu tư này là nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 T/km; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80-90km/h, tàu hàng 50-60km/h; Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5-1,6 lần.

Tuy nhiên, trên hết, theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV VNR thì “mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an toàn vì trên tuyến hiện còn hàng trăm cầu yếu, hầm yếu và hàng nghìn lối đi tự mở”.


Theo Phan Trang

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên