MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành Đường sắt xin “giải cứu”: Văn bản của các Bộ, ngành "vênh nhau"?

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét quyết định và phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt quốc gia làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện...

Hụt hơi trong cuộc đua thị phần với hàng không và đường bộ, thị phần vận tải ngành đường sắt hiện cũng ở mức thấp nhất.

Hoạt động phụ thuộc vào dự toán ngân sách giao hàng năm, nên khi “bầu sữa mẹ” này gián đoạn, Tổng công ty đường sắt Việt Nam và 20 công ty thành viên đã kêu cứu khắp nơi về nguy cơ dừng tàu, thiếu tiền trả lương cho công nhân.

Ngành đường sắt không có tiền trả lương

Ngày 12/4/2021, Tổng công ty ĐSVN đã có công văn Kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh "Đề xuất của Bộ GTVT đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống GTVT".

Cụ thể, Tổng công ty ĐSVN nêu rõ những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn.

"Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống", Tổng công ty ĐSVN kêu cứu.

Việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

Được biết, ngày 22/1/2021, Bộ Tư pháp đã có công văn 193/BTP-PLDSKT gửi Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến về việc quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐSQC).

Văn phòng Chính phủ trong 4 tháng đã 3 có lần có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan, trong đó mới đây còn ghi rõ "Yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp tại văn bản nêu trên khẩn trương hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (đề án) trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định" (Công văn 908/VPCP-CN ngày 4/2/2021).

Sau 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ nhưng Đề án của Bộ GTVT chủ trì vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng công ty ĐSVN một chủ thể liên quan cũng 5 lần, 7 lượt "kêu cứu".

Thậm chí có lần ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty ĐSVN còn lên tiếng "dọa" dừng tàu do không có kinh phí trả lương mua vật tư, trả lương cho người lao động.

Các Bộ "vênh nhau" và cái khó của Bộ GTVT…

Theo đại diện Bộ GTVT: "Chủ trương của Bộ GTVT là làm đúng theo các quy định của pháp luật, muốn giao KCHTĐS quốc gia cho Tổng công ty ĐSVN thì phải hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư".

"Hiện nay, đề án này vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi và đã được Thủ tướng yêu cầu xem xét lại. Về phần giao vốn cho Tổng công ty ĐSVN thì phải thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước", đại diện Bộ GTVT cho biết.

Về thông tin tất cả các Bộ, Ngành đồng ý giao cho Tổng công ty ĐSVN, chỉ có Bộ GTVT không đồng ý, đại diện Bộ GTVT khẳng định: "Thông tin chưa đúng bản chất".

Được biết, Bộ GTVT đã có văn bản số 3149 gửi tới Thủ tướng giải trình ý kiến của Bộ Tư pháp về đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia (KCHTĐS).

Thứ nhất, về thời gian, Bộ GTVT tóm tắt lại: Quan điểm của Bộ Tư pháp chọn phương án giao tài sản giao KCHTĐS quốc gia cho Tổng công ty ĐSVN đến năm 2030.

Tuy nhiên, Bộ GTVT không đồng ý với quan điểm của Bộ Tư pháp vì thời gian này quá dài và lấy dẫn chứng: Trên cơ sở quy định tại luật quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP, với thời gian 5 năm (2021 – 2025) là khoảng thời gian phù hợp để Bộ GTVT, Cục ĐSVN, Tổng công ty ĐSVN thực hiện hoàn thiện đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản KCHTĐS quốc gia; Kiện toàn cơ cấu quản lý tài sản KCHTĐS quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị định 46/2018/NĐ-CP quy định.

Đồng tình với Bộ GTVT, Bộ Tài chính thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT giao Tổng công ty ĐSVN quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS trong giai đoạn 2020 -2025.

Thứ 2 về phương thức giao quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia, Bộ Tư pháp kiến nghị giao một số tài sản KCHTĐS quốc gia gồm: Khu ga, một số tuyến đường sắt cho Tổng công ty ĐSVN theo phương thức tình thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý, sử dụng tài sản này đã được quy định tại Điều 97 và Điều 98 của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Đáp lại ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ GTVT cho rằng: "Việc giao tài sản KCHTĐS quốc gia (gồm 297 ga và tuyến đường sắt Đà Lạt – Tại Mát) cho Tổng công ty ĐSVN tính vào thành phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của đề án và tuân thủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 10506/VPCP-CN".

Trên cơ sở những quy định nêu trên, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ GTVT kiến nghị: Sau khi đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHTĐS quốc gia được Thủ tướng phê duyệt "Giao Tổng công ty ĐSVN xây dựng đề án khai thác tài sản KCHTĐS quốc gia theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Trong thời gian này, sẽ xác định rõ những danh mục, giá trị tài sản KCHTĐS sẽ giao cho doanh nghiệp tính vào thành phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; Tài sản nào cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn theo quy địh trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định làm cơ sở để triển khai thực hiện”.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng đồng tình với ý kiến của Bộ GTVT về việc giao tài sản KCHTĐS quốc gia (gồm 297 ga và tuyến đường sắt Đà Lạt – Tại Mát) cho Tổng công ty ĐSVN tính vào phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của đề án và không thuộc nội dung nghiên cứu của đề án này.

Thứ 3, về giao dự toán bảo trì KCHTĐS quốc gia, Bộ Tư pháp cho rằng: "Bộ GTVT giao dự án quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia cho Tổng công ty ĐSVN để tổ chức thực hiện là không trái với quy định của pháp luật hiện hành".

Trái ngược với ý của Bộ Tư pháp, thì Bộ Tài chính lại nêu rõ: "Giao dự án quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia cho Tổng công ty ĐSVN là không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 49).

Qua đó, Bộ GTVT thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính (Bộ quản lý chuyên ngành về tài chính), việc giao dự toán bảo trì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách nhà nước, khoản 1 Điều 31 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, Điều 10 Nghị định 46/2018/NĐ-CP).

Đồng thời, Bộ GTVT đã thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020 và Phó Thủ tướng Chính phủ thường trực Trương Hoà Bình tại văn bản 8412/VPCP-KTTH ngày 7/10/2020, Nghị quyết 41/NQQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính Phủ.

Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất giao dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế đường sắt cho Cục ĐSVN quản lý, sử dụng nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Do còn nhiều ý kiến tranh cãi, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét quyết định và phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia do nhà nước đầu tư làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.../.

Theo Phi Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên