MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từ Golden Gate đến Pizza 4PS lãi to: Chương mới "bay vút lên trời" cho chuỗi nhà hàng?

04-04-2023 - 11:37 AM | Doanh nghiệp

Pizza 4P’s cũng là một trong những đơn vị được đầu tư bởi Mekong Capital – nhà đầu tư tương đối “mát tay” với loạt thương vụ trong mảng bán lẻ đình đám (điểm lại có Thế giới Di động, PNJ, Vua Nệm…).

CTCP Pizza 4P's vừa công bố tình hình tài chính năm 2022, ghi nhận Công ty có lãi sau thuế trở lại với 83,56 tỷ đồng, sau 2 năm thua lỗ do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Năm 2021, Công ty báo lỗ gần 38 tỷ đồng. Năm 2019, Pizza 4P’s lỗ 21 tỷ đồng.

Ngành F&B “tăng vút lên trời “ hậu Covid-19, chuỗi Pizza 4P's lãi kỷ lục hơn 83 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ - Ảnh 2.

Pizza 4P’s được biết đến là thương hiệu pizza được sáng lập tại Việt Nam, bởi cặp vợ chồng người Nhật Yosuke Masuko - Sanae Tagasuki. Chuỗi gây ấn tượng với không gian nhà hàng thiết kế riêng biệt, đặt tại các khu vực trung tầm của thành phố lớn. Đặc trưng hơn hết, với mục tiêu là "tươi, giá thành rẻ và an toàn", Yosuke đã quyết định tự sản xuất phomai của riêng mình mà không nhập khẩu.

Dù xuất hiện tại Việt Nam muộn hơn nhiều đối thủ trên thị trường, Pizza 4P’s vẫn tạo được dấu ấn riêng của mình. Nhờ đó, từ một nhà hàng trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn, thương hiệu này hiện đã có mặt tại Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng với tổng cộng 30 chi nhánh trong đó có 14 cửa hàng TPHCM, 10 cửa hàng Hà Nội và 6 cửa hàng ở các tỉnh thành khác.

Tính đến thời điểm 31/12/2022, vốn chủ sở hữu Pizza 4P’s là 152 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với đầu năm (98,4 tỷ đồng). Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,51, tương ứng nợ phải trả khoảng 230 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu của Công ty khoảng gần 14 tỷ đồng.

Pizza 4P’s cũng là một trong những đơn vị được đầu tư bởi Mekong Capital – nhà đầu tư tương đối “mát tay” với loạt thương vụ trong mảng bán lẻ đình đám (điểm lại có Thế giới Di động, PNJ, Vua Nệm…).

Hồi cuối năm ngoái, quỹ Mekong Capital thông báo Mekong Enterprise Fund III (MEF III) hoàn tất thoái 100% vốn đầu tư của quỹ tại Pizza 4P’s. Trong khi đó, Quỹ Cool Japan thông báo đầu tư 10 triệu USD vào Pizza 4P's.

Ngành F&B “tăng vút lên trời “ hậu Covid-19, chuỗi Pizza 4P's lãi kỷ lục hơn 83 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ - Ảnh 3.

Hoạt động trong mảng F&B, cùng với làn sóng phục hồi mạnh, Pizza 4P's không chỉ lấy lại mức lợi nhuận trước Covid-19 mà thậm chí tăng trưởng gấp đôi lợi nhuận so với con số giai đoạn 2018-2019 (đạt 41 tỷ đồng lợi nhuận).

Trước đó, Golden Gate cũng vừa công bố doanh thu thuần đạt 6.965 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm trước và tăng gần gấp rưỡi so với thời điểm trước dịch, lợi nhuận sau thuế đạt 659 tỷ đồng. Kết quả này nâng lợi nhuận lũy kế của Golden Gate lên 1.390 tỷ đồng.

Golden Gate được sáng lập năm 2005 bởi 3 doanh nhân là ông Đào Thế Vinh, ông Nguyễn Xuân Tường và ông Trần Việt Trung. Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam. Khởi đầu với thương hiệu lẩu nấm Ashima, đến nay Golden Gate sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ cho khách hàng trẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack's), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)...

Theo ban lãnh đạo Golden Gate, chỉ tính riêng trong quý 4/2022, Golden Gate đã mở mới 23 nhà hàng. Tính gộp cả năm 2022, họ mở mới 73 nhà hàng và đến cuối năm 2022, hệ thống của Golden Gate đã đạt tổng số 451 nhà hàng.

Đáng chú ý, Golden Gate năm qua cũng đã giảm gần hết vay nợ dài hạn, từ 546 tỷ đồng xuống chỉ còn 65 tỷ đồng.

Ngành F&B “tăng vút lên trời “ hậu Covid-19, chuỗi Pizza 4P's lãi kỷ lục hơn 83 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ - Ảnh 4.

Tại một sự kiện diễn ra hôm 2/3/2023, bà Lan Nguyễn – CFO Golden Gate – cho biết ngành F&B, nhà hàng có những thay đổi rất nhanh thời gian qua. “Bắt đầu từ năm 2022, sau Covid-19 thì thị trường bất ngờ ghi nhận tăng trưởng nóng. Gần như nhà hàng nào sau Covid cũng đông khách , thậm chí muốn đi ăn phải đặt bàn trước . Và mức tăng trưởng này theo từ chuyên môn hiểu là ‘bay vút lên trên trời'", bà Lan nói.

Dù vậy, từ tháng 12 /2022, đáng lẽ mùa lễ hội phải tốt thì lượng khách hàng đến nhà hàng lại giảm, cho thấy áp lực từ suy giảm kinh tế. Theo đại diện Golden Gate, phải đến quý 2-3/2023, khi kinh tế ổn định, lãi suất giảm, lạm phát giảm và thị trường trái phiếu được kiểm soát thì tâm lý tiêu dùng khách hàng mới ổn định trở lại.

Từ cuối năm 2022, mọi người đang gặp nhiều khó khăn, khi thị trường trái phiếu và bất động sản bị chững lại, kéo theo tâm lý người tiêu dùng thay đổi và họ đã không chi tiêu nhiều vào cuối năm 2022.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên