MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành giáo dục Trung Quốc đảo lộn vì chính sách "giảm kép", gia tăng tình trạng thất nghiệp trầm trọng trong giới giáo viên

06-11-2021 - 10:53 AM | Tài chính quốc tế

Ngành giáo dục Trung Quốc đảo lộn vì chính sách "giảm kép", gia tăng tình trạng thất nghiệp trầm trọng trong giới giáo viên

Các trung tâm, cơ sở ôn luyện, dạy thêm học thêm buộc phải chuyển sang hình thức đạo tạo khác hoặc phải đóng cửa. Sự thay đổi trong chính sách trên cũng kéo theo hàng loạt giáo viên, gia sư rơi vào tình trạng thất nghiệp, buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác.

Dưới áp lực của nguồn giáo dục chất lượng cao, trong những năm gần đây nhiều gia đình Trung Quốc đã cải thiện thành tích của con em mình bằng cách mua nhà có vị trí gần trường học chất lượng cao hoặc thông qua những khóa học dạy kèm tại các trung tâm gia sư. Điều này khiến giá nhà gần các cơ sở đào tạo ngày càng tăng cao và các hoạt động đào tạo sau giờ học cũng được mở ra tràn lan.

Để giảm bớt áp lực cho học sinh và phụ huynh, chấn chỉnh các cơ sở đào tạo ngoại khóa, Trung Quốc đã ban hành một loạt chính sách quan trọng trong quản lý giáo dục, trong đó có chính sách "giảm kép". Cụ thể, ngày 24/7/2021, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành "Ý kiến về việc giảm nhẹ gánh nặng bài tập của học sinh trong chương trình giáo dục bắt buộc và gánh nặng của việc đào tạo ngoài trường" (hay còn gọi là chính sách "giảm kép"). 

"Giảm kép" một mặt yêu cầu giảm toàn bộ số lượng và thời lượng làm bài tập về nhà, để giảm gánh nặng về bài tập về nhà cho học sinh. Mặt khác, trong những năm qua, các cơ sở đào tạo ngoài trường mọc lên tràn lan. Do đó, chính sách "giảm kép" nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng đào tạo ngoài trường cho cả học sinh và phụ huynh. 

Chính quyền Trung Quốc cấm hoàn toàn việc dạy thêm bên trong trường học và dạy thêm vào cuối tuần. Chính quyền địa phương không được phép phê duyệt các công ty dạy thêm mới và buộc những trung tâm hiện tại phải đăng ký dưới tên tổ chức phi lợi nhuận. Những nơi này cũng phải ngừng nhận vốn đầu tư nước ngoài và không được phép dạy các môn học hay chương trình giảng dạy nước ngoài vượt quá tiêu chuẩn.

Hệ quả của chính sách "giảm kép"

Dưới sự tác động của chính sách này buộc các trung tâm, cơ sở ôn luyện, dạy thêm học thêm phải chuyển sang hình thức đạo tạo khác hoặc phải đóng cửa. Sự thay đổi trong chính sách trên cũng kéo theo hàng loạt giáo viên, gia sư rơi vào tình trạng thất nghiệp, buộc phải chuyển sang các ngành nghề khác.

Theo thời báo công thương Bắc Kinh, Đông Phương, một trong những cơ sở dịch vụ đào tạo quy mô lớn hàng đầu tại Bắc Kinh đã tuyên bố dừng hoạt động. Có thể nói, chỉ hơn 3 tháng sau khi chính sách này chính thức có hiệu lực, đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo và hoạt động dịch vụ giáo dục đào tạo ngoài nhà trường của Trung Quốc.

Bài báo này cho biết, bắt đầu từ đầu năm nay, không ít nhà đầu tư đã rút khỏi lĩnh vực giáo dục, chuyển sang các lĩnh vực khác như thương mại điện tử hoặc dịch vụ tiêu dùng và giáo dục không còn là mảnh đất màu mỡ để kiếm tiền. 

Nhiều người làm trong lĩnh vực này, đặc biệt là giáo viên và các nhân viên làm việc hành chính, có người đã chuyển đổi công việc thành công sang một lĩnh vực khác, một số khác lựa chọn con đường tiếp tục học tập nâng cao trình độ và bằng cấp với hy vọng sẽ dễ dàng có cơ hội tìm kiếm việc làm hơn trong tương lai mà không phải từ bỏ ngành nghề mình đã bỏ bao công sức và tiền bạc để theo đuổi, một số khác thì đang mông lung, bất định trong lựa chọn con đường nghề nghiệp tiếp theo của mình.

Bài báo này dẫn lời tâm sự của một giáo viên đang giảng dạy tại một trung tâm đào tạo ngoại ngữ cho trẻ em tại Bắc Kinh cho biết, chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện rất nghiêm khắc đối với quy định này, thường xuyên cử các đơn vị chuyên trách tiến hành thanh kiểm tra nhằm phát hiện và xử phạt các cơ sở giáo dục vi phạm. Nhiều giáo viên chuyển sang hình thức dạy online tại nhà, nhưng đại đa số phụ huynh không mấy mặn mà vì hiệu quả không được như kỳ vọng.

Có thể nói, chính sách "giảm kép" đã buộc không ít nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục phải chuyển sang lĩnh vực khác, các giáo viên cũng vì thế trở thành những người thất nghiệp bất đắc dĩ, buộc phải tìm công việc khác. Hiện nay, mức lương dành cho giáo viên và gia sư đã giảm hơn 75% so với trước kia, những người còn chưa nghỉ việc là do họ muốn tiếp tục làm việc để duy trì đóng bảo hiểm xã hội.

Bài báo này viện dẫn số liện công bố trển trang web của Bộ giáo dục Trung Quốc cho biết, các trung tâm, cơ sở đào tạo tự phát, không được cấp phép hoạt động tại Bắc Kinh đã giảm hơn 98%. Các cơ sở đủ điều kiện hoạt động cũng giảm hơn 60%.

Đáng chú ý, những người có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy cũng đã lên mạng xã hội thiết lập các hội nhóm "có cùng cảnh ngộ" nhằm tìm kiếm sự chia sẻ, động viên nhau vượt qua thời điểm khó khăn này. Cũng có những trường hợp đã chia sẻ các câu chuyện về việc chuyển ngành nghề và thu được thành công, tiếp thêm niềm tin và động lực để sớm tìm được hướng khởi nghiệp mới. Đến nay, hội nhóm này đã thu hút hơn 2.000 thành viên tham gia.

Một nhân viên làm việc cho một Công ty tư vấn giáo dục cho biết, từ góc độ phát triển đất nước về lâu về dài, những giáo viên và gia sư này không phải là không "có đất dụng võ". Chỉ là ở góc độ của nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, có thể đây không còn là mảnh đất tiềm năng, kiếm tiền nhanh chóng để họ tiếp tục đầu tư. Trong tình hình hiện nay, những người còn tiếp tục đi theo con đường giáo viên, đa số là do họ có lòng yêu nghề hoặc do họ đã nhiều năm làm việc trong ngành nghề này, không còn cơ hội để chuyển sang một lĩnh vực khác.

Tham khảo Chinatimes, Central News Agency

Tiến Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên