MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành giày dép Việt Nam tăng tốc

18-11-2019 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Với tốc độ tăng trưởng hai con số, Việt Nam tiếp tục là điểm đến sản xuất của các thương hiệu giày dép hàng đầu thế giới. Sản phẩm giày dép sản xuất ở Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, và thị trường EU và Hoa Kỳ chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này.

Điểm đến quan trọng

Phó Chủ tịch Tập đoàn Nike (Mỹ), ông Chris Helzer trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào tháng 6 rồi, cho biết năm 2020, Nike sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập cơ sở tại Việt Nam; và khẳng định đây là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu, khi có đến 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu sản xuất ở Việt Nam. Phía Nike cũng đánh giá cao chất lượng nguồn lao động của Việt Nam đã góp phần làm nên thành công của Tập đoàn sản xuất đồ thể thao hàng đầu thế giới này.

Tương tự, năm ngoái, vị CEO của Adidas, Kasper Rorsted, chia sẻ với các cổ đông rằng các nhà máy ở Việt Nam sản xuất 44% lượng giày Adidas trong năm 2017, tăng từ 31% trong năm 2012, trong khi các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm 19%, giảm từ mức hơn 30% trong năm 2012.

Không chỉ Nike và Adidas, mà nhiều thương hiệu giày dép và đồ thể thao nổi tiếng thế giới khác đã ngày càng tăng cường đẩy mạnh gia công, sản xuất ở Việt Nam, thúc đẩy ngành này ở trong nước ngày càng phát triển và mang về nhiều ngoại tệ về kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước và giữ vị trí thứ hai về xuất khẩu trên thế giới.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong 9 tháng năm 2019 đạt 13,25 tỉ đô la, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái. EU và Hoa Kỳ tiếp tục là 2 thị trường chính nhập khẩu nhóm hàng giày dép các loại của Việt Nam với kim ngạch và tốc độ tăng lần lượt là 3,64 tỉ đô la (tăng 7,8%) và 4,87 tỉ đô la (tăng 14,1%), chiếm 64,2% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Ngành giày dép Việt Nam tăng tốc - Ảnh 1.

Một gian hàng trưng bày sản phẩm da tại VFM

Theo giới phân tích, cơ hội xuất khẩu ngành này của Việt Nam còn rất lớn. Trung Quốc hiện đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu giày dép trên thế giới. Khi chi phí nhân công của Trung Quốc cao, các tập đoàn đa quốc gia có xu hướng dịch chuyển nhà máy sang các nước lân cận để tiết kiệm chi phí mà vẫn thuận lợi trong việc tìm kiếm nguyên liệu. Việt Nam là điểm đến thay thế trong bài toán này. Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang được ký kết với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc, EU, CPTPP… cũng đang mở ra cơ hội cho xuất khẩu da giày Việt Nam. Dù chi phí nhân công của Việt Nam tăng lên nhưng vẫn thấp hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, nên cơ hội để các thương hiệu lớn quan tâm tới thị trường Việt và doanh nghiệp Việt là rất lớn.

Tìm máy móc, thiết bị ở đâu?

Tận dụng triển vọng phát triển công nghiệp mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á và nền tảng triển lãm chuyên nghiệp quốc tế, hàng loạt dây chuyền da giày sẽ có mặt tại TPHCM tại một Triển lãm chuyên ngành sẽ diễn ra từ ngày 20-23/11/2019. Triển lãm Quốc tế máy móc và nguyên phụ liệu da giày (VFM) sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quy tụ nhiều thương hiệu nổi tiếng như Mingling, Luluxin, Jin Yue Lai◊TTY), Hongfeng, Jinxin, Mingan◊Taiwei), Sokiei (Benyu), Changmeng, Teng Yu Long, giới thiệu hàng loạt thiết bị, công nghệ tự động hoá trong lĩnh vực máy móc da giày. Các nhà sản xuất từ hàng chục quốc gia và khu vực trong ngành công nghiệp da giày sẽ tham dự sự kiện này, mang lại nhiều lựa chọn về các thành phần sản xuất trong chuỗi giá trị giày dép. Cùng diễn ra với Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam (VTG 2019), VFM sẽ cung cấp đầy đủ thiết bị, công nghệ máy móc và nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam.

Ngành giày dép Việt Nam tăng tốc - Ảnh 2.

Hội thảo chuyên ngành tại VFM mang lại nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và khách tham quan

Nhìn lại năm 2018, triển lãm VFM được đánh giá rất thành công khi có đến hơn 12.000 lượt khách tham quan từ 11 quốc gia và khu vực. VFM 2019 sắp tới được ngành công nghiệp da giày trong nước và khu vực đánh giá rất cao. VFM 2019 sẽ tiếp nối câu chuyện thành công vào năm ngoái, tiếp tục thu hút khách tham quan từ các nước khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, cùng với triển lãm này sẽ diễn ra hội thảo về Cuộc chiến thương mại của Trump: Diễn biến tiếp theo đối với ngành giày dép và may mặc do ông Peter T. Mangione, Cố vấn da giày toàn cầu của Công ty Global Footwear Partnerships LLC tham luận; Hội thảo chuyên ngành Giày thể thao thương hiệu – Mẫu mã mới, hạ tầng và cách tiếp cận do ông Bruno Forcione, Giám đốc chiến lược phát triển sản phẩm và chuỗi cung ứng của Công ty TNHH Quốc tế New Balance thuyết trình.

Triển lãm do Công ty triển lãm quốc tế Yorkers Việt Nam phối hợp Công ty Vinexad tổ chức. Sự kiện được đồng tổ chức bởi Hiệp hội máy may Hong Kong, Công ty Paper Communication Exhibition Service và Phòng Thương mại thiết bị Máy may Quảng Đông.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên