Ngành Hải quan tiếp tục tìm giải pháp gỡ khó về chi phí xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp
Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không đã tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch. Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu phải đối mặt với rất nhiều thách thức do chi phí hoạt động tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc
- 03-05-2022Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Làm gì để hồi phục nhanh hơn?
- 03-05-2022Những con số "khủng" về du lịch dịp lễ 30/4-1/5: Có địa phương đón gần 900.000 khách, thu về 2.000 tỷ đồng
- 03-05-2022Hộ, cá nhân không đăng ký kinh doanh có phải nộp thuế không?
Tác động của dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cước vận tải đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt ở các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ... Thêm nữa, gần đây, tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine đẩy giá dầu và nhiều loại nguyên, nhiên liệu tiếp tục tăng vọt, khiến chi phí xuất, nhập khẩu trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển, hàng không đã tăng nhiều lần so với thời điểm chưa có dịch.
Trước khi xảy ra dịch COVID-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000 - 3.000 USD/container, sau đó đã tăng lên 10.000 USD/container và hiện tại ở mức từ 14.000 - 15.000 USD/container 40 feet. Thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 15,3%/năm, nhưng các hãng hàng không hiện vẫn chỉ vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi chi phí logistics chiếm tới 20 -25% đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương nêu thực tế: Trước đây, giá cước vận chuyển hàng hóa từ châu Á đi Mỹ là khoảng 1 - 1,8 USD/kg, nhưng hiện nay đã lên mức 17 - 18 USD/kg. Với mức tăng chi phí lên tới 10 lần như vậy, doanh nghiệp rất khó khăn: “Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới, khiến cho chi phí hàng hóa của Việt Nam tăng theo và làm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực châu Á. Do đó, việc tìm giải pháp kéo giảm chi phí này là yêu cầu cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam”.
Ông Trần Việt Huy, Trưởng ban Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại - Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics. Theo kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, khoảng 97% doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ bị tác động nặng nề. Từ tháng 5/2020, hoạt động logistics dần phục hồi, nhưng đến thời điểm hiện nay, khoảng 20% doanh nghiệp logistics vẫn còn suy giảm về hoạt động. Theo ông Trần Việt Huy, so với trước đại dịch, hàng hóa vận tải qua biên giới, đặc biệt với Trung Quốc vẫn bị tắc nghẽn, tăng chi phí xuất nhập khẩu lên nhiều lần.
“Các hoạt động của ngành hải quan nên tăng cường vào mục tiêu chính đó là bảo vệ thương mại hợp pháp, chống hành vi gian lận thực sự đã có quyết liệt thuận lợi cho quản lý hải quan nhưng khi doanh nghiệp áp dụng thì còn có khó khăn. Đề xuất chúng ta cố gắng tránh phân biệt đối xử giữa các chủ thể kinh doanh, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Chúng ta đẩy mạnh hơn nữa về tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao. xem xét lại quy trình xử lý vi phạm hải quan thì nên theo tiêu chí tự viết vi phạm và giải phóng hàng hoá một cách hợp lý”, ông Trần Việt Huy cho biết.
Ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, là đơn vị Hải quan quản lý địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu chiếm 50% thị phần của cả nước, hơn 80% sản lượng hàng hóa tại cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Cục Hải quan thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp. Cụ thể: ban hành Quyết định số 2318 về “Đề án Tạo thuận lợi thương mại: Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cảng Cát Lái” với ba giải pháp: Xây dựng mô hình làm việc tập trung, khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan hải quan - Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn - doanh nghiệp để thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục giao nhận hàng hóa cho các doanh nghiệp tham gia đề án; bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án; ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan-giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu và đánh giá mức độ hài lòng của người đi làm thủ tục hải quan.
Để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động xuất, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tích cực hoàn thiện hệ thống thể chế, văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai nhiều giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin như: thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử; thanh toán điện tử; thay thế các thủ tục hành chính bằng việc chuyển đổi sang hình thức kết nối, trao đổi dữ liệu thông tin điện tử; cung cấp miễn phí phần mềm khai hải quan cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Các giải pháp của cơ quan hải quan đã góp phần đáng kể vào việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, tiết kiệm được nhiều chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Tám, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, những bất cập về cơ chế chính sách khiến việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vẫn gặp khó khăn. Cụ thể: thủ tục xuất, nhập khẩu liên quan đến 50 luật, trên 200 nghị định và thông tư của các bộ, ngành đòi hỏi sự chuẩn hóa từ phía hải quan cũng như từ phía doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục. Ông Đào Duy Tám nhấn mạnh, nếu doanh nghiệp không nắm rõ, việc triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
“Rất cần sự chung tay, cùng phối hợp nhịp nhàng của tất cả các cơ quan liên quan cùng hỗ trợ doanh nghiệp. Trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính một cách sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; trong đó sẽ tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành hải quan, hướng tới Hải quan số, Hải quan thông minh…”, ông Đào Duy Tám nêu rõ.
Thực tế hiện nay, việc thông quan một lô hàng liên quan đến nhiều đơn vị, nên việc cắt giảm chi phí phải có sự chung sức của tất cả các cơ quan liên quan. Cụ thể như: việc cấp phép, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu của các bộ, ngành còn chưa được đồng bộ, văn bản pháp luật ban hành quản lý chuyên ngành còn chồng chéo…
Bên cạnh đó, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu rất lớn nên doanh nghiệp nếu không thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu thì có thể sử dụng đại lý hải quan có uy tín để tránh bị sai sót, nhầm lẫn. Song song với đó, cũng cần vừa chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ chế xác định trước hàng hóa, mã số, định giá hàng hóa trước khi làm thủ tục; tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, trong giai đoạn tới, Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính sâu rộng, toàn diện nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa. Trong đó, tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan, hướng tới hải quan số, hải quan thông minh.
VOV