Ngành nào "hút" người trong năm 2024?
Các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, kinh doanh và quản lý, sức khỏe vẫn được ưu tiên tuyển dụng tại trung tâm kinh tế lớn của cả nước
- 01-01-2024Thủ tướng phát lệnh khởi công cao tốc 14.000 tỷ, huyết mạch kết nối giao thương với Trung Quốc và châu Âu
- 01-01-2024Tỉnh thành nào 'soán ngôi' tăng trưởng kinh tế cao nhất nước?
- 01-01-2024Thông xe sớm nhất cao tốc Bắc-Nam đến Mũi Cà Mau
Đại học Quốc gia TP HCM vừa công bố kết quả đề án khảo sát và đánh giá nhu cầu tuyển dụng của đơn vị sử dụng lao động tại 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ (gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Mục tiêu của đề án khảo sát là xác định thực trạng nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị tại 4 địa phương nói trên, cung cấp thông tin tham khảo để xây dựng kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học phù hợp, hiệu quả.
Khảo sát nhận được phản hồi của gần 1.800 doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, thương mại - tiêu dùng. Khoảng 77% doanh nghiệp tham gia khảo sát có quy mô tầm trung, vừa và nhỏ; phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Thu nhập khởi điểm mà các đơn vị được khảo sát đề xuất cho các ứng viên trình độ đại học ở mức 5 đến 10 triệu đồng/tháng; tiếp theo là mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng. Mức lương 10 - 30 triệu đồng/tháng sẽ dành cho nhân sự đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Khoảng 67% đơn vị được khảo sát ưu tiên tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo thuộc Đại học Quốc gia TP HCM. Trong đó, nhân sự tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa TP HCM được ưu tiên tuyển dụng cao nhất.
Trong 3 năm tiếp theo (2023 - 2025), số nhân sự mà gần 1.800 đơn vị sử dụng lao động được khảo sát dự kiến tuyển dụng trong là hơn 79.000 người. Nhu cầu tuyển dụng chủ yếu tập trung ưu tiên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kinh doanh và quản lý, máy tính, công nghệ thông tin và sức khỏe.
Nhóm nghiên cứu đề án trên cho rằng, để tránh tình trạng sinh viên tốt nghiệp nhưng không sử dụng được, gây lãng phí nguồn lực của xã hội, Nhà nước cần làm cầu nối giữa doanh nghiệp (nhu cầu) và cơ sở đào tạo đại học (nguồn cung) để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước.
Đại học Quốc gia TP HCM cần kiến nghị các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ nghiên cứu sâu cho từng địa phương về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm dự báo và có kế hoạch đáp ứng nhu cầu tuyển dụng các lĩnh vực.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị Đại học Quốc gia TP HCM cần có nghiên cứu đánh giá đầy đủ các cơ sở giáo dục đại học tại khu vực Đông Nam Bộ, về nhu cầu bồi dưỡng cho giảng viên các kỹ năng chuyên sâu để giảng viên có thể lồng ghép các kỹ năng đó vào chương trình đào tạo.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia TP HCM cần triển khai định kỳ các nghiên cứu khảo sát trên diện rộng cho cả khu vực về nhu cầu của nhà tuyển dụng nhằm mục đích định hướng phát triển, quy hoạch ngành đào tạo trong hệ thống.
Các trường đại học ở khu vực Đông Nam Bộ cần tăng cường đào tạo sau đại học chất lượng cao và đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho xã hội.
Người lao động