Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19: BIDV đăng ký 120 nghìn tỷ, MB 35 nghìn tỷ..., ngành nào được hưởng?
Quy mô của gói tín dụng mà ngành ngân hàng triển khai sẽ vào khoảng 285.000 tỷ đồng...
- 06-03-2020Ngân hàng xây dựng gói tín dụng hỗ trợ thiệt hại do COVID-19
- 06-03-2020Chính thức có gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết ngành ngân hàng đang tích cực triển khai các gói tín dụng chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị dự kiến lên tới 285.000 tỷ đồng, đi kèm với đó NHNN sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, minh bạch và đúng địa chỉ.
Theo ông Hùng, với các khoản cho vay mới, nhiều ngân hàng đăng ký gói giảm hoàn toàn các phí như phí thanh toán, phí chuyển tiền, có ngân hàng đăng kí giảm lãi suất từ 0,5 đến 1% với các khoản vay với hay dự nợ đang có.
Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đăng ký hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) 100 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) 35 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 15 nghìn tỷ đồng.
Các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam (Vietinbank) cũng đã có các biện pháp hỗ trợ ban đầu hiệu quả, đang tiến hành bổ sung các gói cụ thể.
Về lãi suất, các ngân hàng sẽ hỗ trợ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, bình quân, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường, nguồn vốn cho chương trình này hoàn toàn đến từ các ngân hàng chứ không cấp ngân sách.
"Ngân hàng không thiếu vốn, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ. Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh thì các TCTD sẽ xem xét miễn giảm lãi tùy theo thực trạng tài chính của từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định với Báo điện tử Chính phủ.
Trước đó, NHNN cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu: Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Theo xác định của NHNN, một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn bao gồm: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Như vậy, khả năng lớn, gói tín dụng hỗ trợ của ngành ngân hàng sẽ chủ yếu dành cho những lĩnh vực nói trên. Các lĩnh vực bất động sản, xây dựng,...sẽ khó có thể nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ.
Dự kiến trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hướng dẫn chính thức tới các tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cơ quan này cho biết đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tư pháp để ban hành Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ sở xây dựng Thông tư dựa theo chỉ đạo của Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, tức sẽ tiếp tục tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh.