MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành nhựa Việt Nam: Phụ thuộc hoàn toàn dây chuyền, máy móc nhập khẩu, công nghệ chủ yếu là của Trung Quốc

42% giá trị dây chuyền, máy móc sản xuất nhập khẩu của ngành nhựa Việt Nam đến từ Trung Quốc, theo báo cáo của CTCP Chứng khoán FPT.

Báo cáo của FPT Securities cho biết ngành nhựa Việt Nam đang sử dụng ba công nghệ sản xuất chính là công nghệ ép thổi (Extrusion Blown Molding), ép đúc (Injection Molding) và ép đùn (Extrusion Molding).

Do ngành công nghiệp chế tạo máy móc trong nước còn chưa phát triển nên hiện tại các dây chuyền sản xuất và máy móc của ngành nhựa đều phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập khẩu. Theo đó, giá trị nhập khẩu liên tục tăng trưởng trong giai đoạn từ 2012 – 2017.

Ngành nhựa Việt Nam: Phụ thuộc hoàn toàn dây chuyền, máy móc nhập khẩu, công nghệ chủ yếu là của Trung Quốc - Ảnh 1.

Trong giai đoạn này, sản lượng sản xuất ngành nhựa tăng trưởng trung bình 11,6%/năm kéo theo giá trị dây chuyền, máy móc sản xuất sản phẩm nhựa cũng tăng trưởng trung bình 15,4% một năm.

Năm 2015, tăng trưởng giá trị máy móc nhập khẩu vào Việt Nam tăng trưởng 18,7% nguyên nhân do đây là năm giá nguyên liệu nhựa xuống thấp khiến cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhựa bao bì đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2017, giá trị máy móc sản xuất nhập khẩu của ngành nhựa Việt Nam ước đạt 842,7 triệu USD tăng trưởng 11,4% so với năm 2016.

Về công nghệ sản xuất, ngành nhựa Việt Nam chủ yếu là lấy công nghệ từ Trung Quốc. Cụ thể, trong năm 2017, 42% giá trị dây chuyền, máy móc sản xuất nhập khẩu của ngành nhựa Việt Nam đến từ Trung Quốc.

Ngành nhựa Việt Nam: Phụ thuộc hoàn toàn dây chuyền, máy móc nhập khẩu, công nghệ chủ yếu là của Trung Quốc - Ảnh 2.

Mảng nhựa bao bì – mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu của ngành nhựa Việt Nam chủ yếu sử dụng dây chuyền máy móc với công nghệ của Trung Quốc. Mảng nhựa bao bì là mảng sản phẩm có giá trị gia tăng và biên lợi nhuận tương đối thấp so với các mảng sản phẩm còn lại của ngành nhựa vì vậy dây chuyền sản xuất của Trung Quốc thường được ưu tiên sử dụng vì giá thành rẻ và chất lượng sản phẩm tương đương với dây chuyền Đức hoặc Nhật Bản.

Dây chuyền, máy móc theo công nghệ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đức chiếm lần lượt 15%, 13% và 5% trong cơ cấu máy móc nhập khẩu của ngành nhựa Việt Nam.

Công nghệ Hàn Quốc, Nhật Bản thường được sử dụng trong mảng nhựa kỹ thuật. Nguyên nhân các sản phẩm linh kiện, phụ tùng của mảng nhựa kỹ thuật yêu cầu tính chính xác cao và độ hoàn thiện tốt. Mặt khác, các doanh nghiệp mảng nhựa kỹ thuật của Việt Nam thường là nhà cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp FDI đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản như Samsung, Honda hay Canon nên công nghệ sản xuất từ các quốc gia này thường được ưu tiên lựa chọn

Còn đối với mảng nhựa xây dựng, công nghệ Đức thường được ưu tiên lựa chọn do các sản phẩm của mảng nhựa xây dựng thường yêu cầu cao về độ chịu lực, tính đồng nhất của sản phẩm đầu ra cũng như tính linh hoạt của nguyên liệu đầu vào nên thường sử dụng dây chuyền, công nghệ ép đùn của các nước châu Âu như Đức hoặc Ý.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên