MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tài chính ngân hàng khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao

29-10-2016 - 20:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Một trong những thách thức lớn của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam hiện nay là khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia tài chính ngân hàng có bằng cấp quốc tế.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Chất lượng nguồn nhân lực tài chính ngân hàng trong quá trình hội nhập" tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 29/10.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố làm nên sự thành công cho hội nhập. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, đó là vấn đề về tự do hoá tài khoản vốn, phát triển thị trường vốn cũng như lao động được tự do di chuyển.

Tuy nhiên, hiện nay việc chuẩn bị và sẵn sàng hội nhập cho nguồn lao động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể và còn hạn chế so với nhu cầu thị trường.

Khảo sát thực tế cho thấy, ngành tài chính ngân hàng vẫn tồn tại tình trạng nguồn nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu, cụ thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như xây dựng chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế...

Mặt khác, khu vực tài chính ngân hàng luôn diễn ra chu trình di chuyển lao động khá khắc nghiệt, từ các ngân hàng thương mại trong nước sang ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam và sang các nước trong khu vực. Do đó, các ngân hàng thương mại còn đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám trong quá trình cạnh tranh thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao.

TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, nhân sự cấp cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam sẽ tiếp tục khan hiếm ở các vị trí chuyên gia quản lý rủi ro, quản lý cấp trung và chuyên gia tài chính đầu tư.

Vì vậy, nếu không có kế hoạch bồi dưỡng những ứng viên kế cận cho các vị trí cấp cao thì trong vài năm tới tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân sự lãnh đạo trong ngành tài chính ngân hàng càng nghiêm trọng hơn.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại phải tăng cường những chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành tài chính ngân hàng, bà Nguyễn Phan Yến Phương, Giảng viên Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng, việc nghiên cứu và triển khai giải pháp thúc đẩy các cơ sở đào tạo mở rộng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại nhằm phối hợp chặt chẽ về nội dung đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội là vấn đề cấp thiết.

Theo bà Nguyễn Phan Yến Phương, về phía các hệ thống ngân hàng nên đẩy mạnh hỗ trợ giảng viên, sinh viên những kiến thức, tình huống xử lý trong thực tế, từ đó hạn chế tình trạng phải đào tạo lại nguồn nhân lực sau khi tuyển dụng.

Đồng thời, định hướng các chương trình đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng các mục tiêu của ngành trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngành tài chính ngân hàng sẽ là 120.900 người và tăng gấp đôi năm 2016.

Theo Mỹ Phương

Bnews/TTXVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên