MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thép chưa thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'

09-02-2023 - 09:41 AM | Doanh nghiệp

Tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp thép có thể sẽ còn tiếp tục trong đầu năm 2023. Ảnh Internet.

Tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp thép có thể sẽ còn tiếp tục trong đầu năm 2023. Ảnh Internet.

Tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp ngành thép được dự báo sẽ còn tiếp tục trong đầu năm 2023 do hoạt động xuất khẩu kém khả quan và cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất.

Lợi nhuận bốc hơi

Nhu cầu sụt giảm, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép trong năm vừa qua. Điển hình như Tập đoàn Hòa Phát (HPG) khi ghi nhận lãi ròng cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.

Với Thép Nam Kim (NKG), luỹ kế cả năm 2022, công ty này lỗ hợp nhất hơn 46 tỷ đồng sau thuế, trong khi năm trước lãi lớn hơn 2.562 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng âm hơn 66,7 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên Thép Nam Kim báo lỗ kể từ năm 2012 khi ngành thép rơi vào thời kỳ khủng hoảng. Bên cạnh đó, không thể không kể đến "ông lớn" ngành tôn mạ - Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với khoản lỗ ròng 680 tỷ đồng trong quý I niên độ 2022 - 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến 31/12/2022).

Về phần mình, Tổng Công ty Thép Việt Nam (TVN) cũng lỗ hơn 822 tỷ đồng năm vừa qua, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận âm kể từ năm 2014 và cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011. Hay như với CTCP Thép Pomina (POM), việc kinh doanh dưới giá vốn và áp lực chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp này lỗ ròng kỷ lục 1.169 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 206 tỷ đồng. Kết quả này đưa Pomina trở thành doanh nghiệp lỗ nặng nhất ngành thép năm vừa qua.

Trong bức tranh kinh doanh khó khăn chung của ngành thép năm 2022, còn phải kể đến một số doanh nghiệp khác là CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) với lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 644,83 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 901,05 tỷ đồng, tức giảm 1.545,88 tỷ đồng; Giá vốn cùng chi phí tài chính tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) chỉ đạt 7,5 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, TLH mới thực hiện vỏn vẹn 2,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra (300 tỷ). Trong khi đó, CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) báo lỗ sau thuế 9 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 122 tỷ đồng trong năm 2021.

Nhiều rủi ro

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp thép có thể sẽ còn tiếp tục trong đầu năm 2023 do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỉ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.

Trong báo cáo phân tích mới đây, VDSC cũng nhận định lợi nhuận trong ngắn hạn, cụ thể là lợi nhuận hàng quý của các doanh nghiệp ngành thép sẽ khá thất thường và có thể phân hóa mạnh, phụ thuộc vào độ linh động trong chính sách tồn kho của từng doanh nghiệp. Đây là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà còn bao phủ toàn cầu, chính vì lý do giá nguyên vật liệu biến động thất thường và mạnh mẽ hơn.

Theo VDSC, biến động giá nguyên liệu thời gian gần đây đã thách thức chính sách tồn kho và chính sách phòng hộ giá nguyên liệu của gần như tất cả các nhà sản xuất thép. Và khó khăn này sẽ còn kéo dài khi các ngành có tính chu kỳ đang ở trong giai đoạn suy thoái. Khi các nhà sản xuất phải linh động trong hoạt động mua và tích trữ nguyên liệu, do vậy, việc nắm bắt giá vốn cũng như dự báo lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu thép.

Trong khi đó SSI Research dự báo nhu cầu thép thành phẩm trong nước có thể giảm ở mức một con số vào năm 2023. Tuy nhiên, việc tăng tốc đầu tư công có thể giúp bù đắp một phần nhu cầu thép giảm từ kênh dân dụng. Cũng theo đơn vị này, thị trường xuất khẩu vẫn chưa thuận lợi do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% so với cùng kỳ, lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022.

Nhóm phân tích này cho rằng lợi nhuận của ngành thép sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm nhưng dần phục hồi vào cuối năm nhờ khả năng phục hồi nhu cầu ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Định giá ngành P/E dự phóng năm 2023 của ngành nằm trong khoảng 10-20x, cao hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 8-10x và thậm chí cao hơn cả mức định giá trong thời kỳ suy thoái là 10-13x. Mặt khác, P/B của các cổ phiếu chủ chốt như HPG, HSG và NKG hiện nằm trong khoảng 0,6-1x, thấp hơn 20% so với mức trung bình lịch sử, nhưng vẫn cao hơn 20-30% so với mức định giá thấp trong các thị trường giảm giá trước đó (giai đoạn năm 2011 hoặc tháng 3/2020).

Về phần mình, VNDirect nhận định mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, song sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ sẽ giảm trong năm 2023.

VNDirect lưu ý một số tín hiệu có thể là tiền đề cho việc ngành thép được cải thiện như: giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn của năm 2022 xuống lần lượt 258-220 USD/tấn trong năm 2023-2024 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại; giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức trung bình 110 USD/tấn trong năm 2022 xuống lần lượt 90-70 USD/tấn trong năm 2023-2024, Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sẽ bù đắp phần nào cho việc thị trường bất động sản trì trệ.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

Trở lên trên