Ngành thực phẩm trị giá 95 tỷ USD tại Việt Nam: Cơ hội lớn sau sự góp mặt của Michelin và những thách thức
Sử dụng nguyên liệu phải đi cùng trách nhiệm với hàm lượng vừa đủ, theo phương cách bền vững để tráng lãng phí, ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo mới đây của iPOS.vn, quy mô doanh thu ngành F&B Việt Nam năm 2022 ước đạt khoảng 610.000 tỷ đồng. Trong đó, có 333.690 tỷ đồng doanh thu đến từ thị trường ăn uống.
Sang năm 2023, dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng theo Euromonitor, thị trường ngành F&B Việt Nam năm 2023 ước tính tăng 18% so với năm 2022, đạt mốc doanh thu khoảng 720.300 tỷ đồng. Ngay cả sau khi hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ, ngành F&B sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định và dự kiến sẽ đạt giá trị 938.305 tỷ đồng vào năm 2026.
Có một số động lực chính, thứ nhất nhờ việc mở cửa và thúc đẩy du lịch, từ đó thị trường F&B (ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) và lưu trú Việt Nam đang khởi sắc với những dấu hiệu tích cực.
Cùng với đó, việc tham gia tích cực 16 Hiệp định Thương mại tự do đang phát huy tác động rất lớn tới quan hệ song phương giữa các quốc gia thành viên, đặc biệt là trong hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú.
Theo dự báo của Statista, thị trường thực phẩm Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt mức 96,47 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8,22%/năm. So sánh trong phạm vi Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam 2023 dự kiến xếp thứ ba, chỉ sau Indonesia và Philippines.
Sự kiện đình đám “4 nhà hàng cùng nhận một sao Michelin” là một trong những tín hiệu cho thấy ngành ẩm thực Việt Nam dần ghi dấu trong mắt bạn bè quốc tế. Chia sẻ tại Vietnam Culinary Journey mới đây, Peter Cường Franklin, đầu bếp 1 sao Michelin duy nhất của Tp.HCM, tiếp tục có chia sẻ góc nhìn về ngành ẩm thực Việt qua nguyên liệu.
Theo ông, việc kết hợp nguồn nguyên liệu địa phương và ngoại nhập trong các món ăn của mình tại Anan Saigon rất quan trọng. Trong đó, 80% nguyên liệu chất lượng cao được ông sử dụng đều có nguồn gốc Việt Nam, đặc biệt là từ Đà Lạt và Phú Quốc, trong khi 20% còn lại sẽ được nhập khẩu từ nước ngoài do tính chất đặc thù và khó tìm như trứng cá caviar hay bò Wagyu.
Sakal Phoeung, vị đầu bếp với hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam, cũng nhận định nguồn cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng fine dining tại Việt Nam hiện đã nâng cao về chất và cả lượng. Dù vậy, các đầu bếp vẫn phải không ngừng học hỏi và chia sẻ lẫn nhau từ các chương trình hợp tác cùng các đầu bếp từ khắp nơi trên thế giới để không những nâng cao danh tiếng cho nhà hàng lẫn tay nghề của bếp trưởng.
Nhìn chung, dù đứng trước nhiều cơ hội, đặc biệt là khi Michelin Guide đã chính thức ra mắt cẩm nang ẩm thực Việt Nam vào tháng 6/2023 và các nhà hàng Việt cũng đã góp mặt trong danh sách bầu chọn của Danh sách 50Best (Top 50 Nhà hàng tốt nhất châu Á) từ 3 năm qua, song các bên vẫn bày tỏ nhiều băn khoăn tại Robb Report Gourmet Collection.
Riêng việc sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập, đại diện các nhà hàng đồng quan điểm phải sử dụng một cách có trách nhiệm với hàm lượng vừa đủ, theo phương cách bền vững để ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu và logistic toàn cầu.
Một trong những vấn đề nhức nhối trong ngành trên toàn thế giới và tại Việt Nam hiện nay còn phải kể đến lượng thức ăn thải ra. Khi kinh tế ngày càng đi lên, người dân chi tiêu mạnh cho việc ăn uống để tận hưởng, cảm nhận… làm sao để đảm bảo cân bằng, không lãng phí, hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là bài toán khó.
Theo thống kê từ VietHarvest mới đây, thế giới có đến 1,3 tỷ thức ăn thừa/năm. Trong đó, sự lãng phí tại Việt Nam đứng thứ nhì trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung.
Là một doanh nghiệp xã hội được thành lập vào năm 2020, chuyên giải cứu những thực phẩm bị lãng phí, VietHarvest cho biết đã giải cứu thực phẩm chưa sử dụng hết đến từ các khách sạn, nhà hàng và nhiều đối tác và phân phối hơn 13 tấn thực phẩm chưa dùng đến, tương đương 26.000 bữa ăn miễn phí, giá trị ước khoảng 520 triệu đồng.
Được biết, mô hình của VietHarvest đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới như ở Anh (UKHarvest), New Zealand (KiwiHarvest), Nhật Bản (JapanHarvest), Nam Phi (SAHarvest),... và nhận được nhiều sự hưởng ứng, cam kết đồng hành của các hãng hàng không lớn như Qantas, Virgin Atlantic, Air NewZealand. Tại Việt Nam, mô hình của này cũng được đánh giá rất hiệu quả trong việc liên kết với các doanh nghiệp địa phương để thu thập miễn phí thực phẩm chưa sử dụng có chất lượng tốt, phù hợp để tiêu thụ từ khách sạn, nhà cung cấp thực phẩm, các chuỗi siêu thị lớn nhỏ tới các tổ chức từ thiện để hỗ trợ các cá nhân có nhu cầu.
Năm nay, Công ty dự kiến xây dựng nhà kho ở Tp.HCM, đây cũng là xưởng đầu tiên ở Việt nam lưu trữ các thức ăn thừa, chế biến lại và sau đó liên kết với các đối tác để vận chuyển về vùng khó khăn.
Tháng 6 vừa qua, VietHarvest đã bắt tay với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giải cứu thực phẩm khô chưa sử dụng và còn đảm bảo chất lượng như ngũ cốc khô, các loại bánh ăn nhẹ…
Mới nhất, VietHarvest tiếp tục ký kết với ABA Cooltrans, đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa lạnh và dịch vụ kho lạnh, thông qua đó hợp tác tài trợ xe vận chuyển cho VietHarvest tại Tp.HCM và Hà Nội trong 3 năm tới.
Nhịp sống thị trường