MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tôm nhắm đích 10 tỷ USD: Đột phá ngay bây giờ!

Với mục tiêu tiến tới kim ngạch XK đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thủy sản phải hành động quyết liệt...

Với mục tiêu tiến tới kim ngạch XK đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành thủy sản phải hành động quyết liệt để tạo bước đột phá ngay từ năm 2017, tạo động lực lớn để có những bứt phá cho các năm tiếp theo.

Đây là quyết tâm chỉ đạo mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã đề ra cho ngành thủy sản tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của Tổng cục Thủy sản diễn ra ngày 16/2.


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì hội nghị

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, tình hình thời tiết, hạn mặn sẽ không diễn ra những khốc liệt như năm 2016. Vì vậy, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành thủy sản tạo ra bứt phá tiếp theo cho nuôi tôm sau thành công bất ngờ của năm 2016.

3 mũi nhọn để bứt phá

Để tăng được kim ngạch XK lên 10 tỉ USD, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, nếu đưa ra những giải pháp quá vĩ mô như phải điều chỉnh quy hoạch, chờ vốn ngân sách, đầu tư thủy lợi… thì sẽ rất khó triển khai và không khả thi.

Vì vậy, tư duy và quan điểm hành động để đạt được mục tiêu này, đó là phải căn cứ trên cơ sở tình hình hiện tại, trong điều kiện không có nhiều đầu tư về kinh phí nhà nước mà vẫn phải đạt được mục tiêu này.

Theo đó, một số nhóm giải pháp mà Bộ NN-PTNT sẽ nhắm tới là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị trước hết cho các diện tích tôm hiện có bằng việc đưa thêm KH-CN và tổ chức lại SX cho bài bản. Cụ thể theo ông Tám, có 3 mũi nhọn khả thi có thể tạo ra được đột phá mới cho ngành tôm trong thời gian tới.

Một là với hình thức nuôi tôm thâm canh công nghiệp hiện diện tích khoảng hơn 95 nghìn ha, định hướng là chỉ sẽ tăng nhẹ lên khoảng 100 nghìn ha trong 5 năm tới.

Đồng thời, sẽ thu hút thêm các DN lớn hiện có để đầu tư thêm về KH-CN và áp dụng các hình thức thâm canh cao hơn nhằm tăng nhanh năng suất. Hiện nay, năng suất nuôi tôm thâm canh mới chỉ đạt bình quân khoảng 4 tấn/ha, nếu có đầu tư KH-CN (ví dụ áp dụng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn), có quyết tâm thực hiện thì hoàn toàn có thể nâng lên được bình quân 10 tấn/ha.

Hai là với gần 600 nghìn ha tôm nuôi quảng canh và một số diện tích chuyển đổi lúa sang tôm thời gian qua, năng suất chỉ mới đạt khoảng 250-300 kg/ha. Hiện một số DN đã có mô hình thành công để tăng đột phá về năng suất bằng việc chuyển từ nuôi quảng canh sang có đầu tư thâm canh.

Theo đó, thay vì chỉ thả tôm phóng sinh, tận dụng thức ăn tự nhiên như trước đây, phải áp dụng thêm các giải pháp tạo nguồn thức ăn hữu cơ, vi sinh (trồng cây tạo nguồn thức ăn, đưa rong biển vào ao nuôi, thiết kế lại ao đầm…); áp dụng thả tôm giống cỡ lớn thông qua gièo giống thêm 1 tháng để tăng tỉ lệ sống và sức đề kháng. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, đưa DN vào liên kết SX với nông dân. Với các giải pháp này, có thể nâng được năng suất tôm quảng canh lên khoảng 1 tấn/ha.

Theo Thứ trưởng Tám, hai giải pháp thâm canh có thể tạo đột phá cho SX tôm này là hoàn toàn có cơ sở và khả thi, bởi hiện nay một số DN đã bắt đầu áp dụng thành công và hoàn toàn có thể nhân rộng. Dĩ nhiên song song với các giải pháp KH-CN và đầu tư, cả hệ thống ngành thủy sản sẽ phải vào cuộc quyết liệt trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, quan trắc môi trường, quản lí vật tư đầu vào…

Đặc biệt đối với vấn đề giống, sẽ phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng bằng các giải pháp chủ động nguồn giống trong nước. Bộ NN-PTNT có thể kiến nghị có giải pháp hỗ trợ nguồn giống tôm cỡ lớn cho dân, đồng thời có thể có cơ chế quản lí để con giống cỡ lớn, đảm bảo chất lượng mới được phép bán cho người dân.

Giải pháp thứ ba là tiếp tục rà soát, quy hoạch lại đối với các diện tích lúa có nguy cơ xâm nhập mặn để mạnh dạn chuyển đổi linh hoạt sang nuôi tôm, mục tiêu là sẽ tăng thêm khoảng từ 200 đến 300 nghìn ha tôm, nâng tổng diện tích tôm cả nước lên xoay quanh 1 triệu ha tới năm 2020. Về chính sách, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ sớm đưa tôm vào diện Sản phẩm chủ lực Quốc gia để dành sự ưu tiên đầu tư của Chính phủ hơn nữa.

Không quãi ra nuôi

Làm việc với Tổng cục Thủy sản mới đây về một số chương trình hành động cho SX tôm trong năm 2017 cũng như thực hiện chiến lược ngành tôm đến năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Quan điểm trong phát triển tôm thời gian tới là sẽ tập trung trước hết cho thâm canh tăng năng suất, chứ không tăng mạnh về diện tích theo kiểu quãi ra nuôi tràn lan.

Định hướng tăng diện tích tôm từ khoảng 670 nghìn ha hiện nay lên 800 nghìn ha cũng phải dựa theo những định hướng có sẵn về quy hoạch tôm nước lợ đã có, chứ không mở rộng ngoài quy hoạch. Bởi việc mở rộng diện tích cũng sẽ dẫn tới những xung đột quy hoạch với các đối tượng cây trồng – vật nuôi khác.

Theo Bộ trưởng, với định hướng 800 nghìn ha, nếu tập trung tăng năng suất thì giá trị đã có thể tăng trên 2 lần so với hiện nay.


Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng, ngành tôm sẽ đạt được đột phá dù không có sự đầu tư lớn về ngân sách

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tin tưởng, ngành tôm sẽ đạt được đột phá dù không có sự đầu tư lớn về ngân sách

Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh chủ trương thâm canh, ngành thủy sản cần nghiên cứu thêm khả năng nâng diện tích tôm thẻ nuôi thâm canh từ khoảng 95 nghìn ha hiện nay lên mức 150 nghìn ha được hay không? Nếu nâng được thì đây sẽ là “cú đấm thép” có thể tạo ra đột phá cho SX tôm nước ta.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản đặc biệt chú ý tới dư địa của các đối tượng tôm nuôi khác, nhất là tôm càng xanh, tôm hùm. Bởi đây là hai đối tượng nuôi có giá trị rất cao, cả XK và thị trường nội địa đều rất lớn. Hiện một số tỉnh duyên hải đã có số lượng lồng bè nuôi khá lớn nhưng còn tự phát, thiếu định hướng, chính sách phát triển bài bản.

Vì vậy trong chiến lược ngành tôm tới đây, cần phải xem các đối tượng tôm này như là một mặt hàng chính thống để góp thêm vào SX chung của ngành tôm, nhất là nghiên cứu để tạo ra tái cơ cấu SX tôm theo hướng sinh thái, điển hình như mô hình 1 lúa – 1 tôm.

Đối với định hướng vùng chiến lược SX tôm, bên cạnh 6 tỉnh trọng điểm tại ĐBSCL, cần nghiên cứu mở rộng thêm dư địa đối với dải duyên hải ven biển. Bởi dải ven biển từ Quảng Ninh tới các tỉnh Nam Trung Bộ rất nhiều tỉnh dư địa nuôi tôm còn vô cùng lớn, một số tỉnh nuôi rất thành công nhưng gần như vẫn còn bỏ trống về đầu tư chiến lược của nhà nước.

Theo Lê Bển

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên